Cán bộ, nhân viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật
Tin Kinh tế - Tài chính

TP.HCM ưu tiên huy động hơn 39 tỷ USD làm 183 km metro

Thứ sáu, 01/11/2024 14:04 GMT
TP.HCM dự kiến ưu tiên huy động hơn 39 tỷ USD để đầu tư 183 km đường sắt đô thị (metro) từ các nguồn vốn trong nước như đấu giá đất, phát hành trái phiếu và từ ngân sách.
Ưu tiên đầu tư bằng vốn nhà nước

Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có Văn bản số 14229 gửi UBND Thành phố giải trình rõ hơn về cơ cấu nguồn vốn đầu tư 183 km đường sắt đô thị và đánh giá nợ công khi đầu tư các tuyến đường sắt đô thị.

Theo báo cáo của Sở GTVT, để hoàn thành 183 km đường sắt đô thị TP.HCM vào năm 2035, cần số vốn hơn 39 tỷ USD. Với số vốn rất lớn, TP.HCM sẽ huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư theo kế hoạch đề ra.

Khi đầu tư, Thành phố xác định, cơ cấu nguồn vốn dựa trên nguyên tắc các tuyến đang triển khai đầu tư theo vốn vay ODA, thì các đoạn còn lại có thể xem xét, nghiên cứu tiếp tục đầu tư bằng vốn ODA hoặc bằng vốn ngân sách nhà nước.

Đối với các tuyến còn lại sẽ tập trung ưu tiên đầu tư bằng vốn nhà nước, huy động thêm từ các nguồn vốn khác nhằm dần tiếp cận các công nghệ hướng tới nội địa hóa hệ thống đường sắt đô thị, chủ động hoàn toàn trong triển khai và đẩy nhanh tiến độ dự án.

Vì vậy, qua tính toán của các sở, ngành, nhu cầu vốn để đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại TP.HCM giai đoạn 2026-2030 là 21,31 tỷ USD. Trong đó, nguồn ngân sách Thành phố và thu từ đấu giá quỹ đất dọc các nhà ga (TOD) là 7,81 tỷ USD (chiếm 36,65%); phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức vay trong nước khác là 6,67 tỷ USD (chiếm 31,3%); Trung ương hỗ trợ (dự kiến) 4,78 tỷ USD (chiếm 22,44%); nguồn vốn BT trả chậm 2,04 tỷ USD (chiếm 9,58%).

Đến giai đoạn 2031-2035, Thành phố cần 17,26 tỷ USD để đầu tư, trong đó, nguồn ngân sách Thành phố và thu từ TOD là 9,48 tỷ USD (chiếm 54,95%); Trung ương hỗ trợ (dự kiến) 3,19 tỷ USD (chiếm 18,51%), nguồn vốn BT trả chậm 4,58 tỷ USD (chiếm 26,54%).
  
 Ảnh minh họa
Huy động vốn trong nước khả thi

Nhìn vào cơ cấu nguồn vốn trên, PGS-TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giao thông - vận tải Việt Đức đánh giá, giải pháp huy động vốn từ đấu giá khai thác quỹ đất theo mô hình TOD, phát hành các loại trái phiếu như trái phiếu đô thị, trái phiếu chính quyền địa phương là hoàn toàn khả thi. “Những nguồn vốn này hoàn toàn có thể dùng để phát triển đường sắt đô thị, vì Nghị quyết 98/2023/QH15 đã cho TP.HCM hành lang cơ chế, hoàn toàn có thể triển khai được”, ông Tuấn phân tích.

Ông Tuấn cho rằng, việc phát triển mô hình phát triển TOD sẽ có nhiều thuận lợi về sau, khi vừa tạo ra các đô thị vệ tinh, giúp giải nén không gian đô thị và mật độ dân cư cho các khu vực trung tâm của Thành phố, vừa giảm phương tiện cá nhân, giảm kẹt xe, ô nhiễm...

Liên quan kế hoạch khai thác quỹ đất, phát triển TOD, Đề án đã được Thành ủy, UBND Thành phố thông qua và ban hành kế hoạch thực hiện trong 2 giai đoạn (2024 - 2025 và 2026-2028) tại một số khu đất xung quanh nhà ga tuyến metro số 1, số 2 và quanh nút giao Vành đai 3 theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98/NQ- QH15.

Nguồn vốn TP.HCM dự kiến huy động từ trái phiếu chính quyền địa phương là 160.000 tỷ đồng (10.000-40.000 tỷ đồng/năm) trong giai đoạn 2026-2030 để dành riêng cho đầu tư đường sắt đô thị cũng hoàn toàn khả thi. Bởi theo tính toán của các sở, ngành, dư nợ vay của Thành phố đến ngày 31/12/2023 là 26.729 tỷ đồng. Do đó, trong trường hợp vay trái phiếu chính quyền địa phương theo kế hoạch của Đề án là 160.000 tỷ đồng và điều kiện dự kiến tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước đạt được mức tăng trưởng tương đương mục tiêu tăng trưởng GRDP của Thành phố trong giai đoạn 2026 - 2030 (bình quân khoảng 9,5 - 10%/năm), thì tổng mức dư nợ vay của Thành phố vẫn đảm bảo không vượt quá 120% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp được quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15.

Vì vậy, để đảm bảo hoàn thành 183 km đường sắt đô thị vào năm 2035, Sở GTVT đã xây dựng tiến độ chi tiết cho từng giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2025-2027 phải hoàn thành công tác chuẩn bị dự án; năm 2027-2028, hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng để thi công; khởi công công trình từ năm 2027, chậm nhất năm 2028; đến năm 2035 hoàn thành 183 km.

Để tăng tính khả thi khi huy động nguồn vốn trái phiếu trong nước, Sở GTVT kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành thực hiện khảo sát thị trường, nghiên cứu áp dụng mức lãi vay đủ hấp dẫn, đa dạng các hình thức phát hành trái phiếu.
Nguồn: https://baodautu.vn/ 

KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN