Thứ tư, 04/10/2017 07:38 GMT
Ngày 3/10, tại Hà Nội, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã công bố Báo cáo đánh giá phối hợp có tựa đề: “Đánh giá chi tiêu công Việt Nam: Chính sách tài khóa hướng đến bền vững, hiệu quả và công bằng”.
Báo cáo nhằm giúp cho Chính phủ có thêm căn cứ để xây dựng chính sách cũng như chương trình hành động đúng đắn hơn, mang lại hiệu quả cao hơn, đặc biệt là xử lý tốt hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với giảm nghèo và hội nhập quốc tế.
Báo cáo được hoàn thiện bởi các cơ quan của Chính phủ Việt Nam, chủ trì là Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học công nghệ và một số bộ, cơ quan trung ương có liên quan; các địa phương Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Báo cáo có sự đóng góp của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới, các chuyên gia quốc tế từ khâu khảo sát, lập đề cương, tổ chức nghiên cứu, đánh giá, đề xuất khuyến nghị và hoàn thiện báo cáo, đặc biệt đã cung cấp nhiều thông tin và kinh nghiệm quốc tế tốt trong quản lý chi tiêu công.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện chính sách thu, chi, bội chi và quản lý nợ công của Việt Nam gắn với thực tiễn điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2015, Báo cáo đã chỉ ra xu thế thu, chi, vay nợ của ngân sách nhà nước trong thời gian qua, kết quả đạt được và những hạn chế, thách thức về tài khóa, từ đó đưa ra những khuyến nghị mang tính định hướng trong việc củng cố tài khóa, cải cách chính sách và quản lý tài chính công theo lộ trình trong ngắn, trung và dài hạn.
Tại diễn đàn, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, nhằm đảm bảo bền vững về tài khóa, Quốc hội đã có Nghị quyết yêu cầu giảm thâm hụt ngân sách và đưa mức bội chi ngân sách cho cả giai đoạn 2016-2020 không quá 3,9% GDP, phấn đấu đến năm 2020 không quá 3,5%GDP. Để đạt được những mục tiêu này, cần có những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để tăng cường huy động thu, tái cơ cấu và nâng cao hiệu suất chi tiêu, sử dụng có hiệu quả các tài sản hiện có, quản lý nợ công và giám sát rủi ro tài khóa một cách chủ động hơn, cả ở cấp trung ương và cấp địa phương. Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhận định, Báo cáo đánh giá này đã đưa ra được các khuyến nghị rất cụ thể về các lựa chọn chính sách để thực hiện mục tiêu này.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, quá trình phối hợp đánh giá có ý nghĩa quan trọng không kém gì kết quả đánh giá. Bởi vì qua quá trình đánh giá và đối thoại liên tục giữa các bên, những nhận định và các ý tưởng mới có thể được chuyển hóa thành hành động, thành chính sách và kết quả cụ thể.
Báo cáo đã đưa ra các khuyến nghị chính, bao gồm các biện pháp chính sách có thể được cân nhắc cho một chương trình củng cố tài khóa, đảm bảo bền vững tài khóa nhưng ít ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, thông qua duy trì mức độ chi tiêu hợp lý cho đầu tư phát triển và đảm bảo các mục tiêu xã hội. Đồng thời, Báo cáo cũng khuyến nghị các biện pháp nhằm đảm bảo kết quả của sự phát triển tích cực của Việt Nam sẽ được phân phối công bằng và các biện pháp đảm bảo hỗ trợ thích hợp cho người nghèo và cận nghèo.
Báo cáo đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt cho phát hành. Đồng thời, tại Công văn số 8038 ngày 02/8/2017 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện các khuyến nghị của Báo cáo Đánh giá chi tiêu công và định kỳ 6 tháng báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các khuyến nghị./.
Nguồn: dangcongsan.vn