Thứ tư, 30/10/2013 15:45 GMT
Chương trình kích cầu thông qua đầu tư của Thành phố nhằm góp phần tháo gỡ và giảm bớt gánh nặng chi phí đầu tư cho các nhà đầu tư trong các lĩnh vực được Thành phố ưu tiên phát triển. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua một số nhà đầu tư thực hiện dự án không được hỗ trợ hoặc bị thu hồi nguồn vốn hỗ trợ
Chương trình kích cầu thông qua đầu tư của Thành phố nhằm góp phần tháo gỡ và giảm bớt gánh nặng chi phí đầu tư cho các nhà đầu tư trong các lĩnh vực được Thành phố ưu tiên phát triển. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua một số nhà đầu tư thực hiện dự án không được hỗ trợ hoặc bị thu hồi nguồn vốn hỗ trợ với những lý do thường gặp phải như:
- Xem nhẹ việc hỗ trợ nguồn vốn từ Chương trình nên không đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu đầu tư đã đề ra khi xin hỗ trợ, sử dụng sai mục đích đầu tư nên bị thu hồi hoàn trả lại ngân sách sau khi được hỗ trợ. Ví dụ: một đơn vị có dự án đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ lãi vay để đầu tư theo mục tiêu đầu tư ban đầu, tuy nhiên sau khi đầu tư và được hỗ trợ lãi vay lại cho một đơn vị khác thuê lại mà không sử dụng làm công năng đúng như mục tiêu ban đầu đã đăng ký tham gia chương trình.
- Tiến độ thực hiện dự án kéo dài làm ảnh hưởng trễ quá hạn thời gian xem xét hỗ trợ lãi vay đầu tư. Theo quyết định 33/2011/QĐ-UBND ngày 28/05/2011 của UBND Thành phố tại khoản 1 điều 13: “Trong trường hợp quá 6 tháng đối với các dự án chỉ đầu tư thiết bị và 12 tháng đối với các dự án bao gồm cả xây lắp kể từ ngày Quyết định phê duyệt danh mục hỗ trợ lãi vay cho dự án của Ủy ban nhân dân thành phố có hiệu lực thi hành mà chủ đầu tư chưa có ký hợp đồng vay vốn với các tổ chức tín dụng hoặc triển khai dự án đầu tư và không báo cáo nguyên nhân chậm triển khai thì Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố đưa các dự án này ra khỏi Chương trình kích cầu”. Đa phần các dự án sau khi được phê duyệt hỗ trợ lãi vay, chủ đầu tư cần sớm xúc tiến nhanh việc ký kết hợp đồng tín dụng, ký kết hợp đồng giao thầu để sớm tiến hành thi công xây lắp và có khối lượng giải ngân vốn vay, từ đó mới phát sinh lãi vay sẽ được ngân sách Thành phố hỗ trợ. Do đó, nếu vì lý do bất khả kháng không kịp thực hiện đầu tư, chủ đầu tư phải phải sớm xin cấp thẩm quyền (Sở Kế hoạch và Đầu tư) gia hạn lại để tiếp tục được hỗ trợ lãi vay kích cầu.
|
Hình minh hoạ: Dự án thực hiện đầu tư chậm tiến độ có khả năng gặp rủi ro không nhận được sự hỗ trợ lãi vay từ Chương trình kích cầu của Thành phố |
- Việc hỗ trợ lãi vay từ chương trình không được thuận lợi? Một số chủ đầu tư cảm thấy thủ tục để thực hiện việc hỗ trợ lãi vay từ ngân sách là phức tạp và nhiêu khê. Do đây là nguồn vốn hỗ trợ lãi vay từ ngân sách thành phố, nên việc cần đảm bảo đầy đủ các thủ tục hồ sơ pháp lý để giải ngân khoản hỗ trợ cần chặt chẽ và làm theo đúng quy định. Qua trao đổi với nhiều chủ đầu tư đã tham gia chương trình, họ trình bày là quả thật ban đầu công tác chuẩn bị hồ sơ gặp khó khăn do chưa quen quy trình thực hiện, nhưng sau khi đã được hỗ trợ lãi vay vài kỳ thì mọi việc trở nên đơn giản và cứ tuân thủ theo đúng quy trình thực hiện đã đã ban hành từ các ban ngành.
- Đối với một số dự án có lãi vay phát sinh không được ngân sách hỗ trợ (lãi chênh lệch giữa tổ chức tín dụng và khoản hỗ trợ từ ngân sách, lãi vay phát sinh từ khoản trả nợ quá hạn...). Theo quy định mới tại Quyết định 38/2013/QĐ-UBND ngày 23/09/2013 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 33/2011/QĐ-UBND ngày 28/05/2011, trong đó tại khoản 10, điều 1 Quyết định 38/2013/QĐ-UBND ghi rõ: “Phần chênh lệch lãi vay do chênh lệch giữa mức lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng hoặc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh với mức lãi suất hỗ trợ của ngân sách thành phố sẽ do Chủ đầu tư tự cân đối”.
- Việc thực hiện chỉ tiêu ngân sách cấp bù lãi vay thông thường được duyệt đợt 1 vào tháng 4 và đợt 2 vào tháng 10 hàng năm. Do đó, việc Ngân sách thành phố hỗ trợ lãi vay cho các đơn vị thường bị chậm và không đủ so với kỳ thanh toán lãi hàng quý của hợp đồng tín dụng. Một số đơn vị có tâm lý chờ được Ngân sách hỗ trợ mới trả lãi cho HFIC với lý do đơn vị không có nguồn vốn khác để trả trước cho HFIC, dẫn đến việc thu lãi vay của các đơn vị này thường bị chậm. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của khách hàng do HFIC phải thực hiện chuyển nợ quá hạn đối với các đơn vị không thanh toán lãi vay đúng hạn cho HFIC; đồng thời, sau đó các đơn vị sẽ phát sinh thêm khoản lãi phạt chậm trả không đáng có. Trong những trường hợp này, các đơn vị tham gia chương trình nên chủ động trả lãi vay đúng thời hạn, sau đó ngân sách hỗ trợ lãi vay vẫn đảm bảo chuyển khoản hỗ trợ đến đơn vị.
Do đó, để đảm bảo việc được tham gia vào chương trình kích cầu và được hỗ trợ lãi vay trong quá trình đầu tư, các đơn vị cần lưu ý những vấn đề trên nhằm tránh bị rủi ro phát sinh ảnh hưởng đến việc thực hiện đầu tư dự án. Điều này cũng góp phần làm tăng việc thực hiện đầu tư phát triển trên địa bàn Thành phố có sự tham gia từ các khu vực kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân; nâng cao điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, vật chất xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân ngày càng tốt hơn.
Nguyễn Hà Lam- phòng KHNCPT