Thứ sáu, 26/02/2021 14:59 GMT
Trình tự, thủ tục thực hiện một dự án đầu tư công theo Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/04/2020 của Chính phủ được hệ thống thành 03 bước:
- Bước 1: Lập, phê duyệt và giao kế hoạch vốn trung hạn và hằng năm
- Bước 2: Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đẩu tư công
- Bước 3: Trình tự, thủ tục quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công
Bước 1, Bước 2 xem chi tiết tại đây
BƯỚC 3 - Trình tự, thủ tục thực hiện quyết định đầu tư và thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư:
3.1. Lập dự án đầu tư (báo cáo nghiên cứu khả thi): Chủ đầu tư (hoặc thuê đơn vị có chức năng) lập báo cáo nghiên cứu khả thi (dự án đầu tư hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật dự án đầu tư xây dựng) phù hợp với chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Nội dụng dự án đầu tư gồm:
3.1.1. Đối với dự án không có cấu phần xây dựng (khoản 2 Điều 44 Luật đầu tư công năm 2019):
• Sự cần thiết đầu tư;
• Đánh giá sự phù hợp với quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch;
• Phân tích, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, kết quả đầu ra của dự án; phân tích, lựa chọn quy mô hợp lý; xác định phân kỳ đầu tư; lựa chọn hình thức đầu tư;
• Phân tích các điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - kỹ thuật, lựa chọn địa điểm đầu tư;
• Phương án tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng dự án;
• Đánh giá tác động môi trường và giải pháp bảo vệ môi trường;
• Phương án tổng thể đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư;
• Dự kiến tiến độ thực hiện dự án; các mốc thời gian chính thực hiện đầu tư;
• Xác định tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, phương án huy động vốn;
• Xác định chi phí vận hành, bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa lớn trong giai đoạn khai thác dự án;
• Tổ chức quản lý dự án, bao gồm xác định chủ đầu tư, phân tích lựa chọn hình thức tổ chức quản lý thực hiện dự án, mối quan hệ và trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến quá trình thực hiện dự án, tổ chức bộ máy quản lý khai thác dự án;
• Phân tích hiệu quả đầu tư, bao gồm hiệu quả và tác động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; khả năng thu hồi vốn đầu tư (nếu có).
3.1.2. Đối với dự án đầu tư xây dựng (yêu cầu công trình xây dựng phải phù hợp với quy hoạch được duyệt):
(a) Trường hợp, dự án đầu tư xây dựng chỉ cần lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng (khoản 2 Điều 5 Nghị định 59/2015/NĐ-CP): Công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng (không bao gồm tiền sử dụng đất). Nội dung báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, bao gồm (Điều 55 Luật xây dựng năm 2014):
• Thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế công nghệ (nếu có) và dự toán xây dựng;
• Các nội dung khác của Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng gồm thuyết minh về sự cần thiết đầu tư, mục tiêu xây dựng, địa điểm xây dựng, diện tích sử dụng đất, quy mô, công suất, cấp công trình, giải pháp thi công xây dựng, an toàn xây dựng, phương án giải phóng mặt bằng xây dựng và bảo vệ môi trường, bố trí kinh phí thực hiện, thời gian xây dựng, hiệu quả đầu tư xây dựng công trình.
(b) Các dự án đầu tư xây dựng không thuộc trường hợp quy định tại điểm b.1 nêu trên phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình: Nội dung dự án đầu tư xây dựng gồm thiết kế cơ sở và thuyết minh dự án quy định tại Điều 54 Luật xây dựng năm 2014, cụ thể như sau:
- Thiết kế cơ sở: Thiết kế cơ sở được lập để đạt được mục tiêu của dự án, phù hợp với công trình xây dựng thuộc dự án, bảo đảm sự đồng bộ giữa các công trình khi đưa vào khai thác, sử dụng. Thiết kế cơ sở gồm thuyết minh và các bản vẽ thể hiện các nội dung sau:
• Vị trí xây dựng, hướng tuyến công trình, danh mục và quy mô, loại, cấp công trình thuộc tổng mặt bằng xây dựng;
• Phương án công nghệ, kỹ thuật và thiết bị được lựa chọn (nếu có);
• Giải pháp về kiến trúc, mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng công trình, các kích thước, kết cấu chính của công trình xây dựng;
• Giải pháp về xây dựng, vật liệu chủ yếu được sử dụng, ước tính chi phí xây dựng cho từng công trình;
• Phương án kết nối hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài công trình, giải pháp phòng, chống cháy, nổ;
• Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng và kết quả khảo sát xây dựng để lập thiết kế cơ sở.
- Các nội dung khác của Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng gồm:
• Sự cần thiết và chủ trương đầu tư, mục tiêu đầu tư xây dựng, địa điểm xây dựng và diện tích sử dụng đất, quy mô công suất và hình thức đầu tư xây dựng;
• Khả năng bảo đảm các yếu tố để thực hiện dự án như sử dụng tài nguyên, lựa chọn công nghệ thiết bị, sử dụng lao động, hạ tầng kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, yêu cầu trong khai thác sử dụng, thời gian thực hiện, phương án giải phóng mặt bằng xây dựng, tái định cư (nếu có), giải pháp tổ chức quản lý thực hiện dự án, vận hành, sử dụng công trình và bảo vệ môi trường;
• Đánh giá tác động của dự án liên quan đến việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư; bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, an toàn trong xây dựng, phòng, chống cháy, nổ và các nội dung cần thiết khác;
• Tổng mức đầu tư và huy động vốn, phân tích tài chính, rủi ro, chi phí khai thác sử dụng công trình, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án; kiến nghị cơ chế phối hợp, chính sách ưu đãi, hỗ trợ thực hiện dự án;
• Các nội dung khác có liên quan.
3.2. Thẩm định dự án đầu tư (báo cáo nghiên cứu khả thi):
3.2.1. Đối với dự án không có cấu phần xây dựng:
- Hồ sơ thẩm định dự án đầu tư:
• Tờ trình thẩm định dự án, bao gồm: sự cần thiết đầu tư dự án; mục tiêu và những nội dung chủ yếu của báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; kiến nghị cấp có thẩm quyền quyết định dự án đầu tư công;
• Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo quy định tại Điều 44 của Luật Đầu tư công;
• Các tài liệu khác có liên quan phục vụ cho việc thẩm định dự án đầu tư công (nếu có).
- Thẩm quyền thẩm định dự án đầu tư: người đứng đầu sự nghiệp công lập thành lập Hội đồng thẩm định hoặc giao đơn vị có chức năng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi.
3.2.2. Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình:
- Hồ sơ thẩm định dự án đầu tư xây dựng (Điều 56 Luật xây dựng 2014):
• Tờ trình thẩm định dự án hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng (Mẫu số 01,04 – Nghị định số 59/2015/NĐ-CP);
• Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng;
• Các văn bản, tài liệu có liên quan.
- Thẩm quyền thẩm định dự án đầu tư: được quy định chi tiết tại Điều 57 Luật xây dựng năm 2014.
3.3. Thẩm quyền quyết định đầu tư (phê duyệt dự án đầu tư) sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị dành để đầu tư:
3.3.1. Đối với dự án không có cấu phần xây dựng: thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP và pháp luật khác có liên quan:
3.3.2. Đối với dự án có cấu phần xây dựng: Thực hiện theo quy định tại Điều 60 của Luật Xây dựng năm 2014 quy định về thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng (sẽ được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14 ngày 28/06/2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay chưa có Nghị định hướng dẫn), cụ thể:
“1. Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn đầu tư từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước, các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư thì thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
2. Đối với dự án sử dụng vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn vay được bảo đảm bằng tài sản nhà nước, vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước, vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, giá trị quyền sử dụng đất của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước góp vốn để đầu tư xây dựng thì thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng được quy định như sau:
a. Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư dự án quan trọng quốc gia;
b. Người đại diện có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật quyết định đầu tư dự án.
3. Đối với dự án sử dụng vốn khác, chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu quyết định đầu tư xây dựng dự án trong phạm vi quyền hạn theo quy định của pháp luật.”
Đỗ Hoàng Luân - Phòng KHNCPT