Cán bộ, nhân viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật
Tin Kinh tế - Tài chính

Trung tâm tài chính quốc tế: Khó nhưng bắt buộc phải làm

Thứ sáu, 18/04/2025 08:35 GMT
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay là rất khó nhưng buộc phải làm vì đây là việc cần thiết cho giai đoạn bứt phá sắp tới.
Chiều 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam.

Đề xuất thành lập một trung tâm tài chính quốc tế ở hai thành phố
Theo Chính phủ, việc xây dựng, củng cố và phát huy các lợi thế cạnh tranh để hình thành TTTCQT đặt ra nhiều thách thức với Việt Nam. Tuy nhiên, nếu thành công sẽ giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy nguồn lực đầu tư hiện hữu; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, trên thế giới có tất cả 121 trung tâm tài chính, số trung tâm thành công chưa đến con số 10. Do đó, việc có một trung tâm tài chính thành công là vô cùng thách thức, cùng lúc thành lập 2 trung tâm lại càng khó khăn, trong khi chúng ta đi rất sau. Vì vậy, Chính phủ xác định thành lập một trung tâm đặt ở hai nơi, với cùng một khung chính sách.
Đồng thời, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, bắt kịp chuẩn mực quốc tế; góp phần phát triển bền vững kinh tế đất nước, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế; từ đó bảo đảm quốc phòng - an ninh, nhất là trong trong lĩnh vực tài chính từ sớm, từ xa.
  
 Ảnh: TP. Hồ Chí Minh dự kiến sử dụng khu đất diện tích 9,2 ha tại Thủ Thiêm để xây Trung tâm tài chính quốc tế
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh việc lập TTTCQT là rất khó nhưng buộc phải làm. Bởi đây là việc cần thiết cho giai đoạn bứt phá sắp tới. Khi đã lập TTTCQT, thì điều kiện tiên quyết là khả năng kết nối toàn cầu. Nếu chúng ta đã đi sau mà không có cơ chế vượt trội thì sẽ không cạnh tranh được với những trung tâm lâu đời trong khu vực và trên thế giới.

Do đó, dự thảo đã đề xuất 12 nhóm chính sách đặc thù cho trung tâm tài chính. Kết luận 47 của Bộ Chính trị cho phép thành lập hai TTTCQT. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, Chính phủ trình tại dự thảo là thành lập một trung tâm và đặt tại hai nơi.

Lý do bởi, qua nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, những nền kinh tế quy mô lớn cũng đều chỉ có một trung tâm tài chính. Còn Việt Nam, quy mô nền kinh tế nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao, thì việc thành lập hai trung tâm tài chính rất khó hiệu quả. Do đó, "Chính phủ đề xuất lập một trung tâm đặt tại hai thành phố với các định hướng khác nhau và theo một chính sách chung. Trong đó, Đà Nẵng thiên về thu hút nguồn lực tài chính cho công nghệ cao, tài chính xanh.

TP. Hồ Chí Minh tập trung nhiều vào các lĩnh vực truyền thống như thương mại, nhà đất… Chính phủ sẽ báo cáo lại Bộ Chính trị về nội dung này" - Phó Thủ tướng cho hay.

Theo tờ trình do Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tại phiên họp, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực.

Trong đó, vấn đề mấu chốt đối với Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển TTTCQT là mức độ mở cửa tài khoản vốn và quản lý ngoại hối. Với mục tiêu bảo đảm tính thông thoáng, hấp dẫn nhà đầu tư, dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù về tự do hóa tài khoản và ngoại hối đi kèm việc áp dụng chuẩn mực quốc tế trong giao dịch ngoại hối cùng với hệ thống báo cáo minh bạch.

Cơ chế ưu đãi đầu tư vượt trội
Nhằm thu hút đầu tư, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc tại TTTCQT, Điều 20 dự thảo Nghị quyết quy định về chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân; chính sách ưu đãi thuế giá trị gia tăng... Cùng với đó là chính sách đặc thù về xuất, nhập cảnh, cư trú, lao động đối với chuyên gia, nhà đầu tư và chính sách việc làm, an sinh - xã hội.

Về phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bên cạnh việc đơn giản hóa tối đa trình tự, thủ tục đầu tư, xây dựng, môi trường, đất đai, phòng cháy, chữa cháy. Để áp dụng cơ chế ưu đãi đầu tư vượt trội, dự thảo Nghị quyết đề xuất dự án đầu tư theo hình thức PPP tại TTTCQT: áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia đến mức 70% tổng mức đầu tư của dự án; cơ chế chia sẻ doanh thu giữa nhà nước và nhà đầu tư được thiết kế linh hoạt hơn quy định chung; được chỉ định nhà đầu tư thực hiện Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (O&M)…

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH đều nhận định việc thành lập trung tâm tài chính là rất cần thiết và phải có chính sách đặc biệt đặc thù vượt trội thì mới phát huy hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, các thành viên dự họp cũng đóng góp các ý kiến để hoàn thiện dự thảo. Trong đó, có đề nghị đánh giá cụ thể hơn cả về mặt tích cực và cả những thách thức, mức độ rủi ro, khả năng quản lý rủi ro; những kinh nghiệm quốc tế phù hợp để vận dụng vào thực tế Việt Nam.

Một số ý kiến nhấn mạnh chính sách cần đột phá, không rập khuôn, cần tận dụng lợi thế của quốc gia đi sau để chọn lựa những kinh nghiệm thành công, tránh được những thất bại. Cùng với đó, có cơ chế quản lý nhà nước, cơ chế giám sát, kiểm tra hợp lý, một mặt thông thoáng nhưng phải bảo đảm quản lý được rủi ro, giữ vững an ninh tài chính, ổn định chính trị.

Lắng nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã có các giải trình cụ thể tại phiên họp. Theo kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, các cơ quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để thẩm tra chính thức trước trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tới đây theo quy trình một kỳ họp.
Nguồn: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ 

KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN