Cán bộ, nhân viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật
Tin Kinh tế - Tài chính

“Làn sóng” nới lỏng chính sách tiền tệ năm 2025

Thứ sáu, 13/12/2024 16:21 GMT
VTV.vn - Các ngân hàng trung ương lớn đang phát đi tín hiệu sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2025 trong bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu đang có nhiều bất ổn.
Thị trường tài chính châu Âu bình lặng khi ECB giảm lãi suất

Chiều 12/12, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã một lần nữa quyết định giảm lãi suất cơ bản, xuống mức 3% bắt đầu từ ngày 18/12. Thị trường tài chính châu Âu đã không biến động nhiều khi lãi suất giảm, mà quan tâm nhiều hơn tới những tuyên bố trong cuộc họp báo.

Lãi suất cơ bản đồng tiền chung châu Âu giảm thêm 25 điểm cơ bản. Ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục nới lỏng tiền tệ. Lãi suất tiền gửi xuống còn 3%, thấp hơn đáng kể so với đỉnh điểm 4% vào tháng 9/2023, lãi suất tái cấp vốn còn 3,15% và lãi suất cho vay cận biên 3,4%.
 
 Đồng tiền mệnh giá 100 Euro tại Rome, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ còn tiếp tục cắt giảm dần dần lãi suất cơ bản và có thể sẽ đưa lãi suất chính của khu vực đồng Euro giảm xuống còn 2%, thậm chí 1,75% vào tháng 7/2025, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn với chi phí thấp hơn.

Tuy nhiên, tốc độ cắt giảm lãi suất đồng tiền chung châu Âu giờ đây còn tuỳ thuộc nhiều vào những áp lực mới, kinh tế Đức suy trầm và chính trị Pháp bất ổn. Sự suy yếu của đồng Euro tạo thêm một lớp bất ổn nữa trên lộ trình chống lạm phát và khoảng cách lãi suất giữa Euro và USD ngày càng thêm rộng.

Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu phải cân nhắc những biến động có thể xảy ra trong ngoại thương giữa Liên minh châu Âu và Mỹ một khi nước Mỹ có chính phủ mới, từ đầu năm sau.

Chuyên gia tài chính châu Âu cảnh báo căng thẳng thương mại

Theo các chuyên gia tài chính, việc ECB giảm lãi suất, cũng như việc lạm phát tại Eurozone đi đúng lộ trình lúc này, trước hết là một tin tốt đối với thị trường tài chính. Đặc biệt khi các doanh nghiệp tại EU đã trải qua một năm nhiều thử thách.

Nền kinh tế đầu tàu là Đức đang gặp nhiều khó khăn. Nhưng năm sau 2025 có thể sẽ chứa nhiều rủi ro cho thị trường khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump liên tiếp đưa ra các cảnh báo sẽ áp thuế lên hàng hoá nhập khẩu từ các quốc gia khác, trong đó có các nước EU.

Tại Đức, chỉ số chứng khoán DAX đã vượt mốc 20 nghìn 400 điểm. Đây là mốc cao kỷ lục trong 30 năm của chỉ số này. Tính từ đầu năm nay, DAX đã tăng 19%. Việc ECB nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất đúng lộ trình dự báo trước đó đang tạo ra một bầu không khí khá lạc quan trên thị trường chứng khoán.

Ông Robert Halver - Trưởng bộ phận phân tích thị trường tại Baader Bank cho biết: "Các doanh nghiệp đã sẵn sàng cho một mùa cuối năm rực rỡ trên sàn chứng khoán. Đây là một trong những lý do khiến chỉ số DAX vượt qua mốc 20.000 điểm. Việc Ngân hàng Trung ương châu ÂUcắt giảm lãi suất cũng hỗ trợ thị trường, chúng ta có thể kì vọng vào sự tăng tốc của nền kinh tế toàn cầu và các tập đoàn lớn của Đức cũng đang hưởng lợi từ điều này, mặc dù nền kinh tế Đức hiện nay khá trì trệ".

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng, động thái cắt giảm lãi suất của ECB đã có thể diễn ra sớm hơn, từ đầu năm nay thay vì vào giữa năm. Năm 2025 tới sẽ có một yếu tố rủi ro đó là căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU. Trong trường hợp đó, chi phí giá cả hàng hoá có thể tăng cao, kìm hãm chu trình giảm lãi suất của ECB.

Ông Marcel Fratzscher - Chủ tịch Viện nghiên cứu Kinh tế Đức cho biết: "Ngân hàng Trung ương châu Âu đang rơi vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, nền kinh tế trong khu vực đang khá là trì trệ và cần sự kích thích từ chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất thấp. Mặt khác, căng thẳng thương mại có thể diễn ra vào năm sau sẽ khiến lạm phát nhiều khả năng lại bùng lên".

Chính sách tiền tệ năm 2025 của các ngân hàng trung ương lớn

Dự báo năm sau 2025, ngoài ECB ra, các ngân hàng trung ương lớn cũng áp dụng chính sách tiền tệ "nới lỏng" để thúc đẩy nền kinh tế. "Nới lỏng" chính là từ khoá quan trọng của năm sau và được nhắc đến nhiều trong các chính sách tiền tệ mà các ngân hàng trung ương lớn muốn áp dụng.

Tại Trung Quốc, ngày 12/12, theo số liệu của Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương, Bắc Kinh đã phát đi tín hiệu sẽ tăng thâm hụt ngân sách, phát hành thêm nợ và nới lỏng chính sách tiền tệ để duy trì tăng trưởng trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ. Dự báo tăng trưởng 2025 có thể giảm dưới 4,5%.

Còn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, theo dự báo của viện Kinh tế học Mastercard, tăng trưởng kinh tế khu vực này vào năm sau sẽ giữ mức ổn định. Lạm phát, chi phí sinh hoạt sẽ bắt đầu hạ nhiệt. Chi tiêu tiêu dùng năm sau sẽ sôi động hơn, với các mặt hàng đắt khách được dự báo có đồ điện tử, nội thất và vé xem các sự kiện âm nhạc. Nhưng vẫn cần thận trọng với rủi ro đến từ căng thẳng thương mại với Mỹ.
 
 Kiểm tiền USD tại một quầy giao dịch. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong khi đó, tại Mỹ, "nới lỏng" cũng là từ khoá cho chính sách tiền tệ của FED vào năm sau, khi nhiều trang tài chính dự báo FED vẫn sẽ tiếp tục chu kỳ hạ lãi suất của mình do lạm phát đang đi đúng hướng. Tuy vậy, FED sẽ giảm lãi suất một cách từ từ, chậm rãi hơn, do lạm phát vẫn là mối rủi ro tiềm tàng, có thể bùng phát lại.

Cụ thể, FED được kỳ vọng sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào cuộc họp chính sách tuần tới và có thể sẽ có một sự tạm dừng vào cuối tháng 1 do lo ngại về rủi ro lạm phát gia tăng.
 
Nguồn: VTV online

KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN