Cán bộ, nhân viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật
Tin Kinh tế - Tài chính

Đa dạng hóa kênh vốn, thúc đẩy kinh tế bền vững

Thứ sáu, 13/12/2024 16:07 GMT
Thị trường vốn Việt Nam đã dịch chuyển theo hướng ngày càng cân đối, hài hòa và bền vững hơn, song còn tiềm ẩn nhiều thách thức cần được giải quyết để phát triển bền vững hơn như: quy mô thị trường vẫn còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực và thiếu tính ổn định; các sản phẩm còn ít, chưa đa dạng; tính minh bạch, chuyên nghiệp chưa cao, chế tài chưa đủ sức răn đe...

Theo nhận định của TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, vốn đầu tư đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, mức độ đầu tư của Việt Nam đang thấp nên quan hệ giữa đầu tư và tăng trưởng chưa cao. Một trong những thách thức lớn nhất là nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc lớn vào ngân hàng. Việc “dựa dẫm” quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng có thể gây ra rủi ro cho hệ thống TCTD, chẳng hạn như rủi ro nợ xấu cao.

Trong khi đó, hiện nay thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) – kênh huy động vốn trung và dài hạn lại chỉ có sự tham gia chủ yếu của các TCTD và doanh nghiệp bất động sản. Việc không có sự đa dạng về kênh huy động vốn khiến nhiều doanh nghiệp Việt khó tiếp cận nguồn vốn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp không thể “lớn”, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế. Trong khi đó Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mới với những kế hoạch lớn như phát triển điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Bắc – Nam.


Chung quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, TPDN là yếu tố then chốt trong phát triển thị trường vốn của mỗi quốc gia. Chính phủ đã thông qua mục tiêu nâng quy mô thị trường TPDN lên 20% GDP vào năm 2025 và đạt 30% GDP vào năm 2030. Tuy nhiên, với những khó khăn và thách thức hiện tại, cần phải tìm ra những giải pháp và hướng phát triển mới cho thị trường TPDN để phát triển ổn định hơn trong tương lai. TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, những điều chỉnh như sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch TPDN trong nước và quốc tế tăng thêm tiêu chuẩn của nhà đầu tư chuyên nghiệp, đưa thêm điều kiện phải có tài sản đảm bảo vào phát hành TPDN riêng lẻ… mới chỉ giúp thị trường nhích lên được vài bước chứ chưa “cởi” được hết những nút thắt đang làm nghẽn thị trường.

Có thể thấy, còn nhiều rào cản cần tháo gỡ và cơ hội cần khai thác để thị trường vốn Việt Nam thực sự trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả và bền vững. Để đạt được những mục tiêu đề ra, theo ông Tú Anh, cần phải đẩy mạnh đầu tư và nâng cao chất lượng đầu tư bằng cách đa dạng hóa các kênh huy động vốn. “Một nền kinh tế phát triển không thể dựa mãi vào ngân hàng. Chúng ta phải phát triển những thị trường vốn then chốt khác, trong đó có thị trường trái phiếu và chứng khoán. Khi thị trường vốn phát triển, đa dạng hóa hơn, nền kinh tế cũng sẽ có những khởi sắc mới”, ông Tú Anh khẳng định.

Để đi đường dài, theo ông Nghĩa, cần phát triển kênh phát hành trái phiếu ra công chúng. Đây là hướng đi theo thông lệ quốc tế và cũng là hướng đi duy nhất giúp thị trường trái phiếu phát triển theo hướng minh bạch và bền vững. Trái phiếu phát hành ra công chúng giúp hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp được giám sát tốt hơn, thông tin minh bạch hơn, hàng hóa có chất lượng hơn. Ở đó, các nhà đầu không cần quan tâm đến các thông tin phức tạp như báo cáo tài chính mà chỉ cần quan tâm đến xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, muốn đẩy mạnh phát hành trái phiếu ra công chúng, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, cần phải rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ phát hành ra công chúng, đơn giản hóa thủ tục hành chính (thay vì chờ đợi 6 tháng đến 1 năm mới được xét duyệt hồ sơ phát hành như hiện nay). Khi đó, các doanh nghiệp cũng sẽ không bị lỡ mất cơ hội kinh doanh, đầu tư trong lúc đợt phát hành trái phiếu. Song song với đó, cần thúc đẩy hơn nữa văn hóa, thị trường xếp hạng tín nhiệm. “Xếp hạng tín nhiệm giống như việc khám sức khỏe toàn diện cho doanh nghiệp. Đây cũng là thang đo sức khỏe doanh nghiệp phổ biến nhất của thị trường đại chúng, lành mạnh và minh bạch hóa thị trường TPDN”, TS. Nghĩa ví von.

Để phát triển bền vững TTCK nói riêng và thị trường vốn nói chung, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup khuyến nghị, cần nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa trên thị trường; có cơ chế khuyến khích cho trái phiếu xanh, xã hội, bền vững, đồng thời, cho phép các định chế tài chính tham gia sâu hơn vào thị trường TPDN dựa trên khung quản trị đầu tư dựa trên rủi ro.

 

Nguồn: Thời báo Ngân hàng

KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN