Cán bộ, nhân viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật
Tin HFIC

Ưu tiên thúc đẩy các dự án lĩnh vực y tế

Thứ tư, 30/10/2024 09:00 GMT
Mới đây, UBND TPHCM đã phê duyệt đề án “Huy động nguồn lực xã hội trong đầu tư phát triển y tế trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2024-2030”, nhằm tạo cơ chế chính sách, hành lang pháp lý để kêu gọi nhà đầu tư cùng góp sức thực hiện các dự án ngành y tế, mang đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân. Đây là bước đi cụ thể hóa cơ chế tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 98).
 
Dự án Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Huy động nguồn lực xã hội

TPHCM có mạng lưới khám, chữa bệnh bao gồm 129 bệnh viện, 310 trạm y tế, hơn 8.000 phòng khám tư nhân. Tuy nhiên, một số bệnh viện đã xuống cấp, quá tải, cũng như việc hạn chế về cơ sở vật chất đã gây ra tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế. Cùng với đó, ngành y tế TPHCM khám và điều trị ngoại trú khoảng 1/4 tổng số lượt thăm khám toàn quốc; điều trị nội trú chiếm khoảng 1/10 cả nước, trong đó phần lớn là người bệnh từ các tỉnh.

Trước những yêu cầu cấp bách đầu tư hạ tầng, thiết bị lĩnh vực y tế, thực hiện Nghị quyết 98, TPHCM đang mời gọi đầu tư theo phương thức đối tác công - tư đối với nhiều dự án thuộc lĩnh vực y tế. TPHCM cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm cả các dự án thuộc lĩnh vực y tế. Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hoài Nam thông tin, TPHCM đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN, với nhiều đề án lớn. Trong đó, TPHCM dự kiến hình thành 6 cụm y tế lớn, với cụm trung tâm và các cụm ở các cửa ngõ tại TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ, cụm khu vực Tây Nam.

Đặc biệt, đề án “Huy động nguồn lực xã hội trong đầu tư phát triển y tế trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2024-2030” được UBND TPHCM phê duyệt sẽ góp phần huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển lĩnh vực y tế. Với việc thực hiện thành công các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trong các lĩnh vực khác thời gian qua, lãnh đạo Sở Y tế kỳ vọng các dự án về y tế được TPHCM mời gọi đầu tư sẽ triển khai thành công, góp phần chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân.

Cải cách, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư

Danh mục các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư theo Nghị quyết 98 được HĐND TPHCM thông qua có 6 dự án thuộc ngành y tế. Thời gian qua, các đơn vị liên quan đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại, kêu gọi đầu tư để thông tin đến doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực y tế của TPHCM. Tại các hội nghị, nhiều doanh nghiệp bày tỏ quan tâm đến các dự án TPHCM đang kêu gọi, nhưng cũng băn khoăn về trình tự thủ tục hồ sơ để tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên HFIC, cho biết, tháng 7-2024, UBND TPHCM đã ban hành quyết định thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 09/2023 của HĐND TPHCM. Hiện có nhiều doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục hồ sơ vay vốn theo điều kiện yêu cầu. Vừa qua, Sở KH-ĐT TPHCM và Sở Công thương TPHCM đã trình UBND TPHCM thành lập 2 tổ công tác liên ngành để xem xét các dự án hỗ trợ lãi suất. Khi 2 tổ công tác liên ngành này hoạt động, việc thẩm định các dự án sẽ nhanh hơn và HFIC sẽ giải ngân vốn hỗ trợ nhà đầu tư.

Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hoài Nam, chính sách hỗ trợ vốn và lãi suất theo Nghị quyết 98 của Quốc hội và Nghị quyết số 09/2023 của HĐND TPHCM có nhiều điểm cải cách, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư không cần phải có vốn đối ứng, có thể vay cùng lúc nhiều dự án khác nhau và có thể kết hợp nhiều nguồn vốn trong cơ cấu tài chính của dự án; thời gian vay linh hoạt… Điều này sẽ mở thêm hướng cho các bệnh viện trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM Đào Minh Chánh thông tin, giai đoạn 2021-2025, TPHCM triển khai 116 dự án thuộc lĩnh vực y tế với quy mô gần 24.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2026-2030, TPHCM dự kiến triển khai 150 dự án với quy mô khoảng 52.000 tỷ đồng. Để hình thành trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao, phát triển kết cấu hạ tầng và các kỹ thuật chuyên sâu, đẩy mạnh du lịch y tế kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền..., TPHCM kêu gọi nhà đầu tư góp sức thực hiện các dự án, mang đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân.
 
Tại hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp lĩnh vực y tế và chính quyền TPHCM vào đầu tháng 10-2024, đại diện Sở Y tế TPHCM cho biết, TPHCM đang mời gọi đầu tư theo phương thức đối tác công - tư với 6 dự án ngành y tế, gồm: Khu khám điều trị dịch vụ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương; Khoa khám và điều trị cho người nước ngoài tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh; Bệnh viện Đột quỵ TPHCM; 2 Trung tâm Tầm soát và chẩn đoán bằng công nghệ cao tại TP Thủ Đức và huyện Bình Chánh; Bệnh viện Thực hành (giai đoạn 2) của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
 
Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng

KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN