Cán bộ, nhân viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật
Tin Khác

Kỳ vọng HFIC từ góc nhìn HIFU

Thứ sáu, 20/03/2020 10:26 GMT
Chặng đường 10 năm của Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ, khẳng định tầm nhìn của lãnh đạo Thành phố trong việc hình thành một công cụ tài chính thúc đẩy quá trình đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật của Thành phố, cũng như nỗ lực phấn đấu vươn lên của cán bộ nhân viên HFIC hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao. Kỳ vọng về HFIC trong tương lai sẽ càng thêm sáng tỏ qua góc nhìn của Tổng Giám đốc đầu tiên của Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (HIFU), tiền thân của HFIC.
Sự ra đời của HIFU là một bước đột phá của Thành phố trong việc thúc đẩy đầu tư tài chính, mở nút thắt cho việc hình thành thị trường tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh những năm 1996-1997

Đất nước chúng ta sau 30 năm (1945-1975) bị chiến tranh xâm lược tàn phá vô cùng khốc liệt, các thế lực thù địch thậm chí còn muốn chúng ta quay trở lại “thời kỳ đồ đá”, sau 30/04/1975 lại còn phải trải qua hai cuộc kháng chiến bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, còn bị cấm vận triền miên, cắt đứt mối quan hệ về kinh tế với nước ngoài, hạ tầng kỹ thuật xuống cấp ngày càng nghiêm trọng, đầu tư nước ngoài gần như chưa có gì đáng kể, giao thương quốc tế hoàn toàn bị bế tắc.
Năm 1991, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, dẫn đến tình hình vô cùng khó khăn. Mãi đến năm 1995, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mới được thiết lập cùng với việc Hoa Kỳ dần dần bãi bỏ chế độ cấm vận đối với Việt Nam. Lúc bấy giờ dự trữ tài chính, dự trữ ngoại tệ gần như chẳng có gì đáng kể.
Vấn đề đặt ra là làm sao để có nguồn vốn đầu tư, bao gồm cả vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài để đáp ứng nhu cầu đầu tư cả nước nói chung và Thành phố nói riêng nhằm mục đích xây dựng hạ tầng kiến trúc đô thị, mở đường cho việc đầu tư phát triển toàn diện nền kinh tế quốc gia, xóa bỏ bao vây cấm vận, khai thông mở rộng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Con đường đó là xã hội hóa đầu tư. Để thực hiện được điều đó, các bước cần thiết phải thực hiện là: 
Cải cách chế độ chính sách về kinh tế tài chính cho thật thông thoáng.
Khuyến khích việc thành lập các doanh nghiệp tư nhân, coi doanh nghiệp tư nhân là thành phần kinh tế vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia.
Tiến hành cổ phần hóa mạnh mẽ các doanh nghiệp nhà nước, mở đường cho việc thành lập các công ty cổ phần, từng bước hình thành, phát triển thị trường chứng khoán.
Thiết lập các quỹ đầu tư phát triển, bao gồm cả các quỹ đầu tư nước ngoài.
 
 
 
 Lễ khai trương HIFU ngày 19/05/1997 tại Dinh Thống Nhất
 
Để đáp ứng yêu cầu đó, Thành phố Hồ Chí Minh mở đường bằng việc thành lập “Quỹ đầu tư phát triển đô thị thành phố Hồ Chí Minh” (HIFU). Năm 1995 Viện Kinh tế thành phố (do ông Trần Du Lịch làm Viện Trưởng) theo chỉ đạo của đồng chí Trương Tấn Sang (lúc đó là Bí thư Thành ủy), cần thiết phải xây dựng đề án thành lập Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị thành phố Hồ Chí Minh. Đến đầu năm 1996 được Thủ tướng Chính phủ (đồng chí Phan Văn Khải) và Bộ Tài chính (lúc đó là Bộ Trưởng Nguyễn Sinh Hùng) nhất trí. Các đồng chí lãnh đạo rất tâm đắc trong việc thành lập Quỹ đầu tư phát triển đô thị, coi đây là một bước đột phá, nhảy vọt trong việc thúc đẩy đầu tư tài chính, mở nút thắt cho việc hình thành thị trường tài chính.
Đồng chí Bí thư Thành ủy đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi (lúc bấy giờ là Cục Trưởng Cục thuế Thành phố) và Ông Phạm Ngọc Côn (Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư Phát triển chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh) chịu trách nhiệm soạn thảo điều lệ của Quỹ, chuẩn bị nhân sự cụ thể, trực tiếp xin cấp giấy phép hoạt động. Đến cuối năm 1996, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định số 644-TTg ngày 10/09/1996 của Thủ tướng Chính phủ). Về chức năng nhiệm vụ, Quỹ có chức năng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội  của Thành phố Hồ Chí Minh; vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng (lúc đó tương đương 50 triệu USD). Thành phố yêu cầu sử dụng số vốn nói trên để làm “vốn mồi”, quy tụ ít nhất 20 lần số vốn hiện có, tổ chức quay vòng vốn nhanh, tăng hiệu quả về tài chính bằng các hình thức:
Hợp vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp vào các dự án đầu tư phát triển hạ tầng và đầu tư phát triển kinh tế.
Hợp vốn đầu tư sau đó chuyển giao dự án thông qua các hình thức bán quyền khai thác dự án, bán quyền quản lý kinh doanh cho các đối tác khác.
 
Thành quả của HIFU đã trở thành một mô hình mẫu cho các Quỹ đầu tư cả nước và là đơn vị duy nhất thực hiện đầy đủ các chức năng theo mô hình quỹ đầu tư phát triển địa phương
 
 
  
Dự án nâng cấp mở rộng đường Hùng Vương, một trong các dự án HIFU tham gia đầu tư 
 
Kết quả đạt được trong ba năm khởi đầu cũng còn hạn chế, mà nguyên nhân chủ yếu là do: 
- Cơ chế quản lý Quỹ chưa hoàn chỉnh, đôi khi còn trùng lắp giữa cơ chế quản lý kinh doanh với cơ chế quản lý nhà nước, thậm chí có người còn đặt câu hỏi: “Đây là một doanh nghiệp hay đây là một tổ chức tài chính của nhà nước?”
- Thị trường chứng khoán mới được hình thành vào cuối năm 1999, còn rất nhỏ bé, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
- Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm chạp và xảy ra nhiều va vấp, dẫn đến tiến độ thực hiện bị đình trệ.
Tuy là một mô hình tổ chức tài chính hoàn toàn mới, HIFU cũng đã đạt được một số kết quả bước đầu vô cùng quan trọng:
- Về giao thông: cung cấp nguồn lực để mở rộng các tuyến đường Xa lộ Hà Nội, đường Hùng Vương, đường Nguyễn Tất Thành, đường Huỳnh Tấn Phát, đường Nguyễn Hữu Cảnh...
- Về khu công nghiệp: đã tham gia đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Tân Tạo, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân...
- Mở rộng quy mô một số bệnh viện như: Bệnh viện 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định...
- Đầu tư gián tiếp vào một số doanh nghiệp. 
- Thành lập mới một số công ty trực thuộc: Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.
- Cùng với một số doanh nghiệp và các tổ chức tài chính khác tham gia vực dậy HD Bank để trở thành một ngân hàng có quy mô lớn như hôm nay.
 
  
 Dự án nâng cấp mở rộng Xa lộ Hà Nội, một dự án do HIFU tài trợ vốn

Đạt được kết quả như trên là do:
- Đó là một tổ chức tài chính mới được thành lập phù hợp với quy luật phát triển của kinh tế thị trường.
- Sự lãnh đạo sáng suốt và sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố để thực hiện thành công mô hình mới đó.
- Quỹ đã quy tụ được một đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, có trình độ, có tinh thần trách nhiệm, luôn tận tâm với công việc. Nhiều bạn đã học tập và làm việc ở nước ngoài vẫn mong muốn được làm việc cho một định chế tài chính mới của Thành phố. Có thể nói mặc dù lương của cán bộ viên chức Quỹ lúc bấy giờ còn khiêm tốn, nhưng tất cả mọi người đều tận tâm, tận lực cống hiến, giữ vững kỷ luật kỷ cương, giữ vững sự trong sạch, không có bất cứ một thành viên nào sa vào tệ nạn tham nhũng.
 Những bài học kinh nghiệm sâu sắc của HIFU đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với HFIC và kỳ vọng, nhắn gửi của những người tiền nhiệm đến thế hệ HFIC tiếp nối hôm nay 
Quy mô của HIFU trước đây và HFIC ngày nay có sự khác biệt lớn. Tuy vậy, với góc nhìn của một Tổng Giám đốc HIFU đầu tiên, xin được trao đổi với các đồng nghiệp HFIC ngày nay một số ý kiến sau:
1. Hiện nay, Thành phố vẫn còn đang thiếu vốn đầu tư trầm trọng. Theo dự thảo báo cáo chính trị chuẩn bị trình Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, Thành phố phấn đấu đến cuối năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt mức 8.500 USD/người, có nghĩa là đến năm 2025 tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn Thành phố phải đạt 850 tỷ USD, và do đó đòi hỏi tổng vốn đầu tư xã hội ước khoảng 298 tỷ USD. Vì vậy, vốn mà HFIC đang có và có thể có, vẫn còn quá ít. Chức năng của HFIC là phải góp phần với các tổ chức tài chính khác, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, các nguồn lực tài chính tư nhân tham gia đáp ứng các nhu cầu đầu tư của thành phố bằng giải pháp xã hội hóa đầu tư. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải chọn các dự án có quy mô lớn, có tính chất chiến lược trong sự phát triển kinh tế của Thành phố, có hiệu quả kinh tế, có tầm ảnh hưởng lan tỏa đến các khu vực phía Nam của đất nước.
 
 
 Dự án xây dựng Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn, một trong những dự án kích cầu từ nguồn vốn HIFU tài trợ
 
2. Thế giới đang bước vào giai đoạn của Cách mạng công nghiệp 4.0, thành phố Hồ Chí Minh đang lãnh nhiệm vụ đi tiên phong trong giai đoạn này. HFIC với tư cách là một tổ chức tài chính nhà nước trong ngành tài chính ngân hàng sẽ triển khai theo “mô hình kinh tế tuần hoàn”, “kinh tế chia sẻ”, phát triển “kinh tế số”, cách mạng công nghiệp 4.0, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực nhằm xây dựng các hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, tập trung ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng giao thông và hạ tầng số với hệ thống thông tin di động 5G.
3. HFIC còn là một tổ chức tài chính nhà nước có chức năng quản lý vốn nhà nước tại các đơn vị có nguồn vốn nhà nước đầu tư theo mô hình quản trị tài chính, tránh đừng để lẫn lộn giữa quản lý nhà nước về mặt tài chính với quản trị kinh doanh tài chính tại các đơn vị này, vì nó chẳng khác gì cơ chế “xin - cho” trước đây.
4. Tình hình mới, nhiệm vụ mới, đòi hỏi công ty phải có một đội ngũ cán bộ thích ứng với yêu cầu của nhiệm vụ mới. Không có một đội ngũ cán bộ tác nghiệp có trình độ thích ứng, có phẩm chất đạo đức tận tâm, tận lực phục vụ cho các mục tiêu mà cấp trên giao phó, các mục tiêu do chính tổ chức mình xác định, thì cũng khó mà thành công được. Do đó, trách nhiệm của tổ chức phát triển nguồn nhân lực thật vô cùng quan trọng và quyết định.
 

“Tôi năm nay đã 83 tuổi, nghỉ hưu trên 20 năm rồi, việc cập nhật các thông tin, kiến thức, tình hình mới còn nhiều hạn chế, nhân kỷ niệm 10 năm thành lập HFIC, xin được góp đôi điều nhắn gửi và thân chúc HFIC luôn vững bước phát triển”.

Tháng 03/2020
Đặng Thiện
(Tổng Giám đốc HIFU đầu tiên)

KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN