Thời điểm phù hợp
Thông tin mới đây được Báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn lại, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương với Đề án xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, trong đó thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TPHCM và Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.
Lộ trình cơ bản là từ nay đến 2030 sẽ ban hành và tổ chức thực hiện một số nhóm giải pháp, thí điểm chính sách theo phù hợp với điều kiện thực tế. Sau đó giai đoạn 2030-2035 sẽ triển khai đầy đủ với mục tiêu thực hiện sớm đề án.
Hồi tháng 10-2023, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đề án trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế, với sự tham gia của rất nhiều Bộ ban ngành. TPHCM tiếp tục tham gia, chủ động đề xuất cơ chế và chính sách xây dựng.
Tiến độ của chương trình gần đây được đẩy nhanh khi nhìn vào lịch trình hoạt động của Chính phủ. Chẳng hạn như chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cuối tháng 10, làm việc với Chủ tịch điều hành Trung tâm Tài chính Dubai Arif Amiri về hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng trung tâm tài chính và hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Trước đó nữa, UBND TPHCM cũng đã có buổi làm việc đoàn doanh nghiệp Vương quốc Anh do ông Michael Mainelli, Thị trưởng Trung tâm tài chính London, Vương quốc Anh dẫn đầu.
Với TPHCM, đây là bước tiến quan trọng trong quy hoạch của đô thị đông dân nhất Việt Nam, vốn đã được nhắc đến nhiều về ý tưởng trong suốt hơn 20 năm qua. Mặt khác, trong thời điểm hiện nay, TPHCM còn phải ban hành nhiều quy hoạch khác có liên quan. Vì vậy nếu đề án về trung tâm tài chính quốc tế sớm được thông qua, sẽ có ý nghĩa nhiều hơn, góp phần giúp hoàn thiện đề án quy hoạch tổng thể chung của thành phố, trong đó còn rất nhiều vấn đề khác nhau.
|
Các yếu tố giúp xây dựng Vương Quốc Anh trở thành trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, theo TheCityUK (2023) |
Tăng cường sức hấp dẫn của lĩnh vực tài chính TPHCM
Sức hấp dẫn và lợi thế của TPHCM trong đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đã được nhiều chuyên gia phân tích trong thời gian qua. Phần lớn đều nhắc đến đặc thù tập trung các hoạt động kinh tế, quy mô thị trường, cơ cấu kinh tế, cũng như lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính.
Với thị trường ngân hàng, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Trường Kinh doanh UEH, đánh giá TPHCM có “mức độ sẵn sàng tương đối tốt và một số lợi thế cạnh tranh về chi phí hoạt động so với nhiều trung tầm tài chính quốc tế khác”.
Một thuận lợi được nhắc đến là quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng Việt Nam trong vài năm qua thuộc vào nhóm nhanh nhất trong khu vực. Tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng, khả năng tiếp cận tài chính toàn diện cũng tương đối cao. “Điều này nghĩa là TPHCM đang có sẵn cả điều kiện ở phần cứng và phần mềm để triển khai”, ông Huân đánh giá về bước tiến mới trong việc xây dựng đề án Trung tâm Tài chính quốc tế.
Trong khi đó, thị trường vốn cũng nhiều ưu điểm. Chẳng hạn như TPHCM tập trung nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn, hay chủ trương nâng hạng thị trường lên thị trường mới nổi trong giai đoạn 2025-2030 cũng sẽ tạo bước đệm thuận lợi cho kế hoạch xây dựng trung tâm tài chính, theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam. “Mặt khác, TPHCM gần đây cũng có những điểm cộng riêng khi chủ động trên thị trường vốn nhiều hơn, chẳng hạn như việc chủ động huy động nguồn vốn từ việc phát hành trái phiếu”, ông Minh đánh giá.
Trong một báo cáo công bố tháng 3-2023 của TheCityUK, cơ quan đại diện cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính và dịch vụ chuyên môn có trụ sở tại Vương quốc Anh, nhóm phân tích này cho rằng không có Trung tâm tài chính quốc tế nào “giống hệt nhau”, mà hưởng lợi từ những thế mạnh riêng xuất phát từ lịch sử hoặc địa lý.
“Các yếu tố như vai trò trung tâm thương mại của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, vị trí địa lý và địa điểm của Việt Nam trong khu vực ASEAN, khả năng tiếp cận hàng hóa và các sản phẩm nông nghiệp khác, cũng như đường bờ biển dài rất phù hợp cho các dự án điện gió ngoài khơi, sẽ gợi ý loại mô hình trung tâm tài chính quốc tế cho TPHCM và Việt Nam”, báo cáo này đánh giá.
Trong quá trình xây dựng đề án, một lợi thế quan trọng của TPHCM được nhắc đến nhiều là sức hấp dẫn các định chế tài chính, hệ sinh thái xoay quanh, cũng như các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực vì độ lớn của thị trường tài chính. Thực trạng hiện nay cũng cho thấy hầu hết các định chế tài chính quốc tế và nội địa đều góp mặt tại địa bàn TPHCM, cũng như các đô thị vệ tinh xung quanh. “Nhu cầu ở đâu thì nguồn cung ứng tài chính sẽ nằm ở đó”, ông Minh đánh giá.
Trong bối cảnh này, theo ông Huân của Trường kinh doanh UEH, cuộc chơi giành lấy thị phần trong “trung tâm tài chính quốc tế tương lai” sẽ “tương đối công bằng” với các định chế tài chính, trong đó có các ngân hàng. “Chưa hẳn ngân hàng lớn sẽ có lợi thế lớn, ngược lại ngân hàng nào có chất lượng dịch vụ tốt, thu hút được thêm khách hàng, đặc biệt là khách hàng nước ngoài sẽ có lợi thế”, ông Huân nhấn mạnh.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/