Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev đã ca ngợi việc đạt nhất trí về tín chỉ carbon là một “bước đột phá” có thể giúp giải phóng tới 250 tỷ USD chi tiêu một năm để giúp các quốc gia nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tín chỉ carbon được tạo ra thông qua các hoạt động làm giảm hoặc tránh phát thải khí nhà kính làm nóng hành tinh, như trồng cây, bảo vệ các bồn chứa carbon hoặc thay thế than gây ô nhiễm bằng các giải pháp năng lượng sạch. Một tín chỉ tương đương với một tấn dioxide carbon giữ nhiệt được ngăn ngừa hoặc loại bỏ. Kể từ thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015, Liên hợp quốc đã xây dựng các quy tắc để cho phép các quốc gia và doanh nghiệp trao đổi tín chỉ trong một thị trường minh bạch và đáng tin cậy.
Một khi đi vào hoạt động, thị trường carbon sẽ cho phép các quốc gia – chủ yếu là các quốc gia giàu có gây ô nhiễm – bù đắp lượng khí thải bằng cách mua tín chỉ từ các quốc gia đã cắt giảm khí nhà kính vượt mức đã cam kết. Các quốc gia mua khí thải sau đó có thể sử dụng tín chỉ carbon để đạt được các mục tiêu về khí hậu đã cam kết trong kế hoạch quốc gia.
|
Thượng đỉnh COP29 khai mạc tại thủ đô Baku của Azerbaijan (Ảnh: Reuters) |
Đặc phái viên về khí hậu của Đức Jennifer Morgan cho biết: “Mỗi COP đều là một COP quan trọng và COP 29 cũng vây. Trước hết, chúng ta cần tăng tốc của quá trình chuyển đổi năng lượng. Năm ngoái chúng ta đã quyết định chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch, tăng gấp ba năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu suất trên toàn thế giới. Năm nay chúng ta cần cụ thể hoá những mục tiêu này.”
Dù vẫn còn nhiều việc phải làm để hướng tới một thị trường carbon chất lượng cao, song đây có thể xem là một khởi đầu đáng khích lệ của COP29 trong bối cảnh những tranh cãi về tài chính khí hậu đã phủ bóng ngày họp đầu tiên của hội nghị. Các quốc gia vẫn chia rẽ về cách các nước giàu “chi tiền” để hỗ trợ các nước nghèo giảm khí thải CO2 bằng cách chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, bù đắp cho các thảm họa khí hậu và thích ứng với thời tiết khắc nghiệt trong tương lai. Liên Hợp Quốc ước tính, nhu cầu có thể lên tới 1.300 tỷ đô la một năm.
Chủ tịch COP29 Babayev nhấn mạnh: “Chúng ta đang trên con đường đi đến sự hủy diệt. Nhưng đây không phải là những vấn đề trong tương lai. Biến đổi khí hậu đã ở đây rồi. Từ những ngôi nhà bị ngập lụt ở Tây Ban Nha đến các vụ cháy rừng ở Australia, từ mực nước biển dâng cao ở Thái Bình Dương đến những đồng bằng cằn cỗi ở Đông Phi. Chúng ta hãy nâng cao tham vọng và thúc đẩy hành động. Chúng ta hãy tiến lên trong sự đoàn kết vì một thế giới xanh. Và chúng ta hãy bắt tay vào làm việc.”
Gói tài chính được thảo luận tại các cuộc đàm phán năm nay rất quan trọng. Bởi đầu năm tới là thời hạn chót để các nước đưa ra các mục tiêu mới tham vọng hơn nhằm hạn chế phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ việc đốt than, dầu và khí tự nhiên. Số tiền đưa ra có thể đánh giá mức độ tham vọng của các nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nguồn: https://vov.vn/