In Trang

Phát triển bền vững cần song hành chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Chuyển đổi số - Sứ mệnh toàn cầu
Chuyển đổi số song hành với chuyển đổi xanh được xem là một sứ mệnh toàn cầu, một mệnh lệnh đặt ra cho tất cả các quốc gia, doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay nhằm hướng tới một thế giới thịnh vượng và xanh hơn. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không chỉ là ứng dụng công nghệ mà còn thay đổi quy trình xử lý công việc, quy trình sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao hiệu suất, tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Chuyển đổi xanh là thuật ngữ chỉ những nỗ lực nhằm đạt được một tương lai bền vững và thân thiện với môi trường. Khái niệm này bao gồm một tập hợp các chính sách, chiến lược và thực tiễn với mục tiêu đảm bảo tính bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Mục tiêu chính của chuyển đổi xanh bao gồm tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm lượng khí thải carbon, thúc đẩy sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng cường sự tham gia của xã hội.
 
Chuyển đổi số song hành với chuyển đổi xanh được xem là một sứ mệnh toàn cầu, vì một thế giới thịnh vượng và xanh hơn 

Một nền kinh tế xanh được cụ thể hóa với những nhà máy và xí nghiệp ít khói bụi, sử dụng nguồn năng lượng sạch và có thể tái tạo. Cụ thể hơn, doanh nghiệp theo xu hướng chuyển đổi xanh sẽ vận hành hoạt động sản xuất và kinh doanh thân thiện với môi trường và sức khỏe con người.

Từ năm 2020, Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Năm 2021, tại hội nghị COP26, Việt Nam đã thể hiện rõ cam kết mạnh mẽ trong giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tiếp tục là công cụ, phương tiện thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, tuần hoàn và bền vững, là động lực tạo đột phá chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam.

Việt Nam liên tiếp tăng bậc trong xếp loại chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, đáng chú ý trong năm 2024, Việt Nam có 3 chỉ số đứng đầu thế giới gồm chỉ số nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam được đánh giá nhanh nhất Đông Nam Á, dự báo đến năm 2025, kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt 20% GDP.

Song hành với cuộc cách mạng công nghiệp số, cuộc cách mạng công nghiệp xanh cũng đang tạo những áp lực và động lực cạnh tranh, phát triển giữa các quốc gia, các nền kinh tế và doanh nghiệp. Theo đó, xu thế chuyển đổi số thúc đẩy chuyển đổi xanh nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững là tất yếu trong bối cảnh hiện nay.
  
 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo COP26 
Theo thông tin từ Cơ quan Năng lượng quốc tế IEA, các trung tâm dữ liệu trong năm 2022 đã tiêu thụ 240-340 tỷ kWh, tương đương 1-1,3% nhu cầu điện năng toàn cầu và đang tiếp tục tăng. Tiêu thụ điện của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông chiếm từ 6 - 10% tổng tiêu thụ điện năng thế giới và thải ra 3,7% tổng lượng khí thải nhà kính.

Số liệu này được dự báo tăng gấp đôi vào năm 2025 và ước tính chiếm 14% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu năm 2040. Vì vậy, chuyển đổi số phải dùng công nghệ xanh, song hành với chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là một cặp song sinh
Phát biểu tại sự kiện Vietnam - Asia DX Summit 2024, ngày 28/5/2024, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chuyển đổi số tiêu thụ năng lượng và phát thải, đòi hỏi có chuyển đổi xanh để phát triển bền vững. “Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là một cặp song sinh, đi với nhau và hỗ trợ nhau. Muốn chuyển đổi xanh phải dùng chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số cũng phải chuyển đổi xanh", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về chuyển đổi số, trong đó kinh tế số đóng góp 16,5% GDP, tốc độ tăng trưởng trên 20% một năm. Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng cho rằng đây là một trong những ngành tiêu thụ nhiều năng lượng và gây phát thải. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược và là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Một trong những vấn đề cần thực hiện là thúc đẩy những ngành công nghệ số, mà cốt lõi là chip bán dẫn.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa), chủ tịch HĐQT CTCP FPT cho rằng, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang là xu hướng của thế giới nhằm hướng tới phát triển bền vững. Ông cho rằng, để khai thác tiềm năng chuyển đổi số - chuyển đổi xanh, tạo ra phát triển kép về cả kinh tế số và kinh tế xanh, Việt Nam cần tập trung nguồn lực phát triển các lĩnh vực công nghệ trọng điểm, như: trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, xe điện thông minh. "Cần tập trung nhân lực, tài chính cho những lĩnh vực công nghệ trọng điểm này", ông nói.

Chia sẻ tại Diễn đàn thường niên lần thứ 2 – Vietnam New Economy Forum 2024, diễn ra ngày 16/10, tại Hà Nội, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cũng nhấn mạnh sự song hành của chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, vì hai nhân tố này tương trợ, bổ trợ cho nhau vô cùng chặt chẽ. “Chúng ta chuyển đổi xanh tốt thì phải đưa công nghệ vào và gắn kết với nhau. Chuyển đổi số tốt cũng phải xanh hoá, tiết kiệm năng lượng. Bởi càng sản xuất hiện đại bao nhiêu càng tốn điện mấy nhiêu. Rõ ràng bài toán tiết kiệm năng lượng là vô cùng quan trọng", ông Lực nói.

Vị chuyên gia này đề xuất, Việt Nam nên thành lập quỹ chuyển đổi xanh, muốn khuyến khích lĩnh vực nào chuyển đổi xanh nhanh hơn, cần "củ cà rốt" khuyến khích; còn "cây gậy" là chế tài.

Phát biểu tại phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, ngày 2/10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. The đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thời gian tới phải tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển kính tế carbon thấp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Cùng đó, nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế thu hút nguồn lực toàn xã hội, nhất là nguồn lực hợp tác công - tư, nguồn lực ngoài nhà nước cho chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng các phương thức quản trị mới, quản lý chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn; đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực để triển khai các cam kết tại Hội nghị COP26 và chuyển đổi năng lượng công bằng; tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nắm bắt những công nghệ mới để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh và chuyển đổi năng lượng công bằng.

Nguồn: CTV Hòa Linh/VOV.VN

,