In Trang

TPHCM xác định đường sắt đô thị là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải

Theo đề án, việc khẩn trương đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị TP là cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Việc này nhằm hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và các quy hoạch liên quan đến hệ thống đường sắt đô thị TPHCM; đồng thời, phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của vùng Đông Nam bộ và quy hoạch TPHCM.

Bên cạnh đó, tăng cường năng lực cơ sở hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển hệ thống giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng trên địa bàn; phát triển đô thị hiện đại, lấy định hướng phát triển giao thông công cộng (mô hình TOD) làm cơ sở quy hoạch đô thị. Xây dựng hệ thống đường sắt đô thị sẽ tạo động lực mới trong phát triển kinh tế xã hội, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế TP.

TPHCM xác định đường sắt đô thị là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, là một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Do đó, TP sẽ tập trung đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp với điều kiện và kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
  
 Hình minh họa: Quang cảnh tuyến metro số 1.

Đề án đặt mục tiêu giai đoạn 1 từ nay đến năm 2035 sẽ hoàn thành 6 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 183km; dự kiến đảm nhận từ 40 - 50% lượng khách công cộng, đáp ứng 7 - 8 triệu lượt khách/ngày đêm. Sau đó, TPHCM tiếp tục làm thêm hơn 168km để nâng tổng số chiều dài lên hơn 351km vào năm 2045. Đến năm 2060, các tuyến đường sắt đô thị còn lại trong quy hoạch sẽ được đầu tư, nâng tổng chiều dài lên 510km.

Báo cáo tại kỳ họp, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Trần Quang Lâm thông tin thêm, vốn đầu tư công là chủ đạo, phát huy nguồn lực nhà thầu trong nước. Do đó, đề án xin cơ chế cho nhà thầu tham gia vào khâu thiết kế thi công, TPHCM sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lựa chọn công nghệ phù hợp.

Đặc biệt, để thực hiện mục tiêu đến năm 2035 xây dựng 183km đường sắt đô thị, đề án đề xuất Quốc hội, Chính phủ 28 cơ chế, chính sách thuộc 6 nhóm vấn đề. Trong đó có nhóm chính sách về quy hoạch; về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư; về huy động vốn; trình tự thủ tục, thẩm quyền đầu tư xây dựng và triển khai dự án; tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và nhóm chính sách về cơ chế tổ chức quản lý, khai thác.

Cụ thể, đề án đề xuất cho phép TPHCM phê duyệt các chỉ tiêu trong đồ án quy hoạch đối với khu vực phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) khác với tiêu chuẩn, quy hoạch hiện hành. Đặc biệt, đề xuất cho phép TPHCM được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương với lãi suất ưu đãi.

Đề án đề xuất cho phép TPHCM thành lập Tổng Công ty Đường sắt đô thị do TPHCM nắm 100% vốn điều lệ, có chức năng huy động vốn, quản lý đầu tư xây dựng và kinh doanh đa ngành để khai thác hiệu quả các tài sản thuộc quản lý của Tổng Công ty...

Nguồn: https://hcmcpv.org.vn 

,