In Trang

TP Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn kích cầu

 

TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình kích cầu với các gói hỗ trợ lãi suất hấp dẫn, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Quy trình thủ tục hành chính và các yêu cầu khắt khe về tài sản thế chấp là rào cản lớn, khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn chưa thể tiếp cận nguồn vốn này.

Nguồn vốn dồi dào, nhưng khó tiếp cận

Nhiều doanh nghiệp phản ánh, thủ tục hành chính phức tạp và kéo dài là một trong những trở ngại lớn nhất. Dù đã có nhiều cải cách trong việc số hóa quy trình và đơn giản hóa thủ tục, nhưng quy trình thẩm định vẫn yêu cầu nhiều giấy tờ, dẫn đến tình trạng chậm trễ trong việc duyệt hồ sơ và giải ngân vốn. Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường gặp khó khăn trong việc cung cấp đầy đủ báo cáo tài chính, phương án kinh doanh chi tiết và các tài liệu cần thiết khác.

 
 Sau gần 3 tháng triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất theo quyết định 42 của UBND TP. Hồ Chí Minh, HFIC đã tiếp cận hơn 500 doanh nghiệp. Ảnh minh họa
 

Thông tin trên đã được các doanh nghiệp phản ánh tại buổi họp về chương trình kích cầu đầu tư cho hơn 100 doanh nghiệp do UBND TP Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) cùng Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC) vừa tổ chức triển khai chương trình kích cầu đầu tư cho hơn 100 doanh nghiệp.

Chia sẻ với những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐTV HFIC, cho biết sau gần 3 tháng triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất theo quyết định 42 của UBND TP Hồ Chí Minh, HFIC đã tiếp cận hơn 500 doanh nghiệp. Hiện có nhiều doanh nghiệp hoàn tất hồ sơ vay vốn, với 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư công đã được UBND TP Hồ Chí Minh ghi nhận cho chương trình.

Tuy nhiên, việc giải ngân vẫn chưa thể thực hiện do chưa thành lập được hai tổ liên ngành theo chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh. Đến nay, HFIC đã nhận 5 hồ sơ nhưng phải chờ tổ liên ngành được thành lập để triển khai. Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Sở Công Thương cho biết danh sách thành viên tổ liên ngành đã hoàn tất và dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 10/2024, nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân.

Một khó khăn khác mà các doanh nghiệp đưa ra là quy định về tài sản thế chấp. Đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc chưa có nhiều tài sản cố định, việc đáp ứng yêu cầu thế chấp là một thách thức. Trong khi một số chương trình cho phép sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp, quy trình này vẫn khá phức tạp và kéo dài thời gian thẩm định. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn vay, mặc dù nhu cầu đầu tư là rất lớn.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Kinh tế TP Thủ Đức, cho biết nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đang có nhu cầu vay vốn cấp thiết để sản xuất kinh doanh. Trong 9 tháng đầu năm 2024, chỉ riêng TP Thủ Đức đã có 5.129 doanh nghiệp mới, với tổng số vốn đăng ký gần 40.000 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, TP Thủ Đức đã có tổng cộng 67.118 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký đạt 860.408 tỷ đồng. Những con số này không chỉ thể hiện sức mạnh kinh tế đang tăng trưởng của TP Thủ Đức mà còn phản ánh nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp đối với việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh.

"Nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp trên địa bàn là rất lớn. Để có thể đáp ứng và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững, chính quyền TP Thủ Đức đã và đang triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND TP Hồ Chí Minh" - ông Dũng phát biểu tại cuộc họp. HFIC cần sớm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và góp phần phát triển kinh tế.

Theo HFIC, dù đã có sự cải thiện so với những năm trước, nhưng tốc độ tăng trưởng giải ngân nguồn vốn này vẫn chậm so với kỳ vọng. Điều này phản ánh rõ những rào cản mà doanh nghiệp gặp phải khi tiếp cận nguồn vốn.

Hỗ trợ doanh nghiệp: Cần thêm nhiều giải pháp

Trước những khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt, TP Hồ Chí Minh đã và đang triển khai nhiều biện pháp để cải thiện tình hình giải ngân và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn kích cầu. Một trong những giải pháp quan trọng, theo các chuyên gia kinh tế, là đơn giản hóa quy trình thẩm định và phê duyệt vốn, giúp giảm bớt gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp. Các sở ngành liên quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với HFIC để rà soát lại quy trình, loại bỏ những thủ tục không cần thiết, từ đó rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ.

 

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường gặp khó khăn trong việc cung cấp đầy đủ báo cáo tài chính, phương án kinh doanh chi tiết và các tài liệu cần thiết khác để tiếp cận vốn vay kích cầu. Ảnh minh họa 

 

Liên quan đến quy trình vay vốn và hỗ trợ lãi suất, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP Hồ Chí Minh (HFIC), khẳng định rằng quy trình này đã được minh bạch hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Ông Thanh chia sẻ: "Hiện tại, HFIC đã đơn giản hóa và minh bạch quy trình vay vốn nhằm đảm bảo doanh nghiệp có thể nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hỗ trợ. Theo đó, các doanh nghiệp chỉ cần lập và nộp hồ sơ vay vốn cho HFIC thẩm định. Khi hồ sơ đủ điều kiện, chúng tôi sẽ thông báo chấp nhận với mức lãi suất hỗ trợ rõ ràng và minh bạch."

Cụ thể, sau khi nhận được thông báo chấp thuận từ HFIC, doanh nghiệp sẽ tiếp tục nộp hồ sơ cho tổ thẩm định trực thuộc Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) hoặc Sở Công Thương. Tổ thẩm định sẽ đánh giá kỹ lưỡng và ra thông báo chấp thuận nếu doanh nghiệp thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất từ chương trình. Sau khi có sự phê duyệt của UBND TP Hồ Chí Minh, quá trình giải ngân vốn vay sẽ được thực hiện. Sau khi hoàn tất thủ tục giải ngân, doanh nghiệp sẽ cần nộp chứng từ liên quan đến việc đã giải ngân lãi suất vay cho HFIC. Sau đó, Kho bạc Nhà nước sẽ tiếp nhận và hỗ trợ doanh nghiệp hoàn trả khoản lãi suất đã đóng trước đó cho HFIC.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Kinh tế TP Thủ Đức, cũng đồng tình với những cải tiến trong quy trình vay vốn, nhưng ông nhấn mạnh thêm về sự cần thiết của việc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn vay ưu đãi. "Nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp hiện nay là rất lớn, đặc biệt là tại TP Thủ Đức, nơi có tốc độ phát triển doanh nghiệp nhanh chóng. Quy trình vay vốn và thẩm định đã được minh bạch, tuy nhiên, cần rút ngắn thời gian giải ngân để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức" - ông Dũng chia sẻ.

Việc tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý cũng là một giải pháp quan trọng. Các tổ liên ngành cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc thẩm định và phê duyệt dự án, giúp đảm bảo quy trình được thông suốt và giảm thiểu tình trạng chậm trễ. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng đang triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số trong quy trình thẩm định và giải ngân vốn, giúp doanh nghiệp có thể theo dõi tình trạng hồ sơ trực tuyến và nhận được phản hồi nhanh chóng.

Một giải pháp khác là tăng cường công tác truyền thông và tư vấn doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có đủ thông tin và kiến thức để tiếp cận chương trình kích cầu. TP Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh việc tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn để doanh nghiệp hiểu rõ hơn về quy trình, điều kiện vay vốn và các lợi ích từ chương trình kích cầu. Đồng thời, HFIC và các sở ngành cần có các đơn vị tư vấn chuyên biệt để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc lập hồ sơ vay vốn và giải quyết các vấn đề phát sinh.

Nguồn: https://vtv.vn/

,