In Trang

Phát huy thế mạnh của ĐHQG TPHCM, góp phần cùng TPHCM hình thành khu đô thị sáng tạo phía Đông

Thực hiện 7 chương trình đột phá, 12 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học

Trong những năm qua, ĐHQG TPHCM đã hợp tác cùng TPHCM triển khai nhiều chương trình, dự án nghiên cứu khoa học trọng điểm tập trung vào 7 chương trình đột phá; thực hiện 12 đề tài, dự án giải quyết những vấn đề “nóng”, bức thiết của TP như: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP; chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu; giảm ô nhiễm môi trường và hợp tác phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ.

Trong đó, tiêu biểu là các dự án xây dựng hệ thống quan trắc ngập lụt trực tuyến trên đường phố tại các điểm ngập lụt thường xuyên của TPHCM. Dự án này do Viện Môi trường và Tài nguyên cùng với Trường Đại học Quốc tế - hai đơn vị thành viên của ĐHQG TPHCM thực hiện. Dự án hệ thống chiếu sáng thông minh sử dụng đèn LED trên địa bàn TPHCM được Trường Đại học Bách khoa thực hiện theo đề xuất của TPHCM đến nay đã hoàn thành công tác lắp đặt thử và thương mại hóa trong thời gian sắp tới. Dự án sử dụng năng lượng mặt trời giảm chi phí năng lượng cho các ngành công nghiệp và dân dụng do Trường Đại học Bách khoa thực hiện tại TPHCM sau đó sẽ nhân rộng ra các tỉnh thành khác. ĐHQG TPHCM cũng đã hợp tác với TPHCM trong các dự án về công nghệ thông tin, IOT, đô thị thông minh, xây dựng cơ sở hạ tầng thông qua Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP (HFIC).

Trong đào tạo nguồn nhân lực, giai đoạn 2016 – 2020, ĐHQG-HCM đã đào tạo và cung cấp cho Thành phố và các tỉnh phía Nam hơn 60.000 cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ. Đây là đội ngũ trí thức có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn cao, tham gia
xây dựng và phát triển Thành phố nói riêng và các tỉnh Nam Bộ nói chung.

Có thể khẳng định, việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa TPHCM và ĐHQG TPHCM ở các lĩnh vực thế mạnh của ĐHQG TPHCM đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu của Đại hội lần thứ X của Đảng bộ TP đề ra, đặc biệt là hoàn thành 7 chương trình đột phá của TP, góp phần phát triển TP trở thành TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; làm cơ sở hình thành mô hình trung tâm cơ sở dữ liệu của TP, tạo nguồn lực lao động chất lượng cao cho sự đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển của TPHCM và cả nước.

 
  
 Ảnh: Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa TP HCM và ĐHQG
Một trong ba hạt nhân của thành phố sáng tạo

Tại Diễn đàn kinh tế TPHCM 2018 diễn ra vào cuối tháng 11/2018, lãnh đạo UBND TPHCM đã nêu ý tưởng xây dựng khu Đông của thành phố trở thành khu đô thị sáng tạo. Đây sẽ là hạt nhân để dẫn đầu và thúc đẩy phát triển kinh tế TPHCM và khu vực phía Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Khu đô thị sáng tạo phía Đông dựa trên các trụ cột có sẵn là Khu công nghệ cao (Quận 9), Đại học Quốc gia TPHCM (quận Thủ Đức) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2). Trong đó, ĐHQG TPHCM được xác định là “trung tâm tri thức” - một trong ba hạt nhân của thành phố sáng tạo phía Đông, nơi hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp diễn ra với cường độ và mật độ cao.

ĐHQG TPHCM đã giao Khu công nghệ phần mềm ĐHQG TPHCM (ITP) làm đầu mối chính hình thành nhóm nghiên cứu về đô thị sáng tạo phía Đông. Cùng với đó,  ITP cũng đã hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp thu hút được sinh viên, cựu sinh viên tham gia vào “hệ sinh thái” này, trong đó đã có những công ty phát triển thành công từ “vườn ươm” của ITP như: MimosaTEK, Công ty Cổ phần công nghệ Nho tím,…

Theo TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc ITP: Chức năng hỗ trợ khởi nghiệp của ITP khác biệt với đơn vị khác là "vườn ươm khởi nghiệp" nằm trong môi trường đại học. Đây không phải là "ốc đảo" chơi vơi mà dựa trên nền tảng con người, nghiên cứu khoa học, sản phẩm ứng dụng của đại học. Lợi thế của ITP là có nguồn nhân lực dồi dào, đã có nhiều công ty khởi nghiệp triệu đô của giảng viên các trường đại học, cựu sinh viên và cả sinh viên.

Hiện nay, ĐHQG TPHCM có gần 6.100 cán bộ, viên chức và người lao động với hơn 3.750 cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, hơn 2.220 viên chức hành chính và phục vụ. Trong đó có hơn 1.000 tiến sỹ bao gồm 330 giáo sư, phó giáo sư và trên 2.400 thạc sỹ; đào tạo gần 72.000 sinh viên hệ đại học chính quy; hơn 7.100 học viên sau đại học thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật công nghệ, kinh tế, quản lý, luật, khoa học sức khỏe, đào tạo giáo viên và nông nghiệp. Hơn 60 phòng thí nghiệm, trong đó có 2 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, trên 80 nhóm nghiên cứu mạnh.

Đại diện Ban Giám đốc ĐHQG TPHCM cho biết, trong thời gian sắp tới ĐHQG TPHCM xác định tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các địa phương trong cả nước, trong đó có TPHCM - nơi ĐHQG TPHCM trú đóng. Đẩy mạnh hợp tác trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho thành phố cũng như giải quyết những vấn đề bức xúc nổi cộm hiện nay như: ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế.

Đối với nhiệm vụ thành lập khu đô thị sáng tạo phía Đông TP, ĐHQG TPHCM xác định rõ vai trò của mình “là một hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông”. Với tâm thế sẵn sàng, ĐHQG TPHCM đã và đang có những bước chuẩn bị cụ thể và dài hạn để phát huy hết những thế mạnh của ĐHQG TPHCM, góp phần cùng TPHCM hình thành nên khu đô thị sáng tạo phía Đông.
Nguồn: https://www.hcmcpv.org.vn/ 

,