Hôm nay là một buổi sảng thứ năm của tuần thứ hai trong tháng 3/2020. Khi chúng tôi đến trụ sở của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố (Saigon Co.op), không khí làm việc khẩn trương và nghiêm túc. Từng khách hàng đến công tác tại Saigon Co.op đều được kiểm tra thân nhiệt đầy đủ và yêu cầu đeo khẩu trang phòng dịch Virus corona – đại dịch toàn cầu đang tác động không nhỏ đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Thật may mắn là giữa lúc tình hình dịch diễn biến phức tạp và Saigon Co.op đang bận rộn để đối phó thì Ông Diệp Dũng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op vẫn đồng ý nhận lời phỏng vấn của chúng tôi về HFIC, nơi mà Ông đã từng giữ cương vị Tổng Giám đốc đầu tiên (từ tháng 3//2010 – 2015). Ông Diệp Dũng cho biết đây là một trong những bước ngoặt quan trọng trên con đường sự nghiệp, đồng thời cũng là khoảng thời gian khó quên đối với Ông .
PV: Ông hãy cho biết cơ duyên nào đã đưa Ông đến với HFIC ?
Là một cán bộ nhà nước nên tôi nghĩ cơ duyên này là do lãnh đạo, do tổ chức đã tin tưởng, trao cho tôi cơ hội để được phục vụ cho HFIC. Tôi còn nhớ, khi đó bản thân đang đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc thường trực của Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận – IPC (nơi mà tôi làm việc từ tháng 9/1992). Nếu không có sự thay đổi này thì tôi nghĩ mình sẽ tiếp tục gắn bó với IPC thêm nhiều năm nữa. Tuy nhiên, như mọi người cũng biết HFIC được thành lập vào tháng 2/2010 thì đến đầu tháng 3/2010, tôi được Ủy ban nhân dân thành phố bổ nhiệm làm Tổng giám đốc kiêm thành viên Hội đồng thành viên HFIC.
PV: Trước đó Ông đã từng tìm hiểu hoặc biết nhiều về một tổ chức tài chính như HFIC ?
Tôi luôn cho rằng khi làm một việc gì mà muốn thành công thì chúng ta cần phải toàn tâm toàn ý cho công việc đó. Chính vì vậy, khi còn công tác tại IPC, tôi tập trung cho các hoạt động phát triển IPC nên tôi chưa có nhiều thông tin khi về HFIC.
PV: Vậy sau khi chuyển qua một doanh nghiệp mới trong thời gian ngắn như vậy thì Ông có cảm nhận và trải nghiệm như thế nào với HFIC?
Tại thời điểm tôi nhận nhiệm vụ thì HFIC mới chuyển đổi từ Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị Thành phố. Có rất nhiều điều mới mẻ, đó là vai trò, chức năng mới (chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước), là cơ cấu tổ chức mới, lãnh đạo mới. Những cái mới cộng với tác động từ những biến động kinh tế trên thế giới và trong nước giai đoạn 2010 - 2011 thật sự là thử thách đối với HFIC. Và một lẽ đương nhiên khi chúng ta đối diện với quá nhiều những điều thay đổi cùng một lúc thì tâm lý dè chừng, thận trọng là điều khó tránh khỏi, nhưng nếu chậm đổi mới lúc đó thì HFIC phải chịu áp lực lớn đến từ các đối tác tiềm năng, đối thủ cạnh tranh và quan trọng là từ chính bản thân của HFIC.Vì vậy, sau khi về HFIC, tôi nhận thức rằng đường lối chính sách con người của HFIC cần đổi mới và mục tiêu đưa ra lúc đó là ổn định tổ chức, đoàn kết nội bộ và đổi mới toàn diện, trong đó: Sự đoàn kết là điều kiện tiên quyết để có thể phát huy tối đa tiềm lực của tổ chức; trên nền tảng của sự đoàn kết, HFIC mới có cơ sở triển khai thực hiện tốt việc đổi mới.
Đó cũng là lý do vì sao trong năm 2011, HFIC lần đầu tiên tổ chức chương trình xây dựng đội ngũ team building tại Madagui Resort – Lâm Đồng, huy tụ sự góp mặt của Hội đồng thành viên, Ban Tổng và toàn bộ nhân viên HFIC. Mỗi trò chơi trong chương trình đều mang hàm ý nhất định. Đối với trò chơi “Vượt hang tử thần”, người chơi phải tìm ra lối thoát duy nhất trong rất nhiều con đường trước mắt; và khi các thành viên của đội tranh cãi quyết liệt thì vai trò của người đứng đầu lúc này đây được thể hiện rất rõ ràng. Còn đối với trò “Vượt hồ Thạch Lâm”, mỗi đội mua vật tư bằng kinh phí đã kiếm được từ những trò chơi trước đó để kết bè đưa càng nhiều thành viên qua hồ càng tốt. Trò chơi này diễn tả một quá trình làm việc và ra quyết định, làm cái gì cũng cần chi phí, nguồn lực và đặc biệt là sự gắn kết, có sự gắn kết thì phải có sự đột phá mới thành công. Thực tế cho thấy không chỉ các thành viên trong đội phải đoàn kết mà cần phải hợp tác với các đội khác vì mỗi đội không đủ kinh phí để dựng một cái bè hoàn chỉnh.
|
Nói tóm lại, qua team building, tôi muốn chuyển tải thông điệp về SỰ CỘNG LỰC, đề cao tinh thần đồng đội, sự đồng lòng trong tập thể. Trong một tổ chức, luôn có người mạnh, người yếu, công việc có khi thuận lợi lúc khó khăn nhưng để vượt qua, đòi hỏi tập thể phải cùng đồng lòng.
PV: Xin Ông cho biết quan điểm của mình về việc HFIC thực hiện thí điểm chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong thời gian qua ?
Việc được giao thực hiện chức năng này thể hiện sự tin tưởng của lãnh đạo cho HFIC. Vấn đề đặt ra là HFIC phải tổ chức triển khai thực hiện chức năng này như thế nào mới quan trọng? Trong hệ thống tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con này của HFIC, các doanh nghiệp thành viên phải cùng có chiến lược phát triển và định hướng kinh doanh phù hợp với chiến lược và định hướng chung của HFIC, cùng hưởng lợi từ kết quả hoạt động và các vấn đề liên quan cũng như chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư từ phần vốn của HFIC tại doanh nghiệp. HFIC với vai trò là công ty mẹ, khi tiếp nhận các Tổng công ty phải thể hiện và thực hiện đúng quan điểm là khi về với HFIC thì HFIC tạo điều kiện cho họ phát triển, giải quyết sự vụ một cách linh hoạt và kịp thời, không đùn đẩy trách nhiệm hoặc kiểm soát vượt thẩm quyền quy định.
PV: Theo ý kiến của Ông, trong thời gian tới HFIC cần làm gì để xứng tầm với vai trò của một tổ chức tài chính của Thành phố ?
HFIC là một định chế tài chính nhà nước, được thành lập với kỳ vọng trở thành công cụ đầu tư tài chính hiệu quả của Thành phố, trong đó các chức năng nhận được sự quan tâm đặc biệt là huy động vốn, đầu tư và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Kế thừa thành quả hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, HFIC có những lợi thế nhất định (nhân lực, uy tín, kinh nghiệm…) để thực hiện các chức năng được giao. Tuy nhiên, thực tế HFIC đang vướng phải sự cạnh tranh gay gắt đến từ các ngân hàng thương mại vốn có một số chức năng tương đồng như HFIC. Và rõ ràng là khi một định chế như HFIC hoà lẫn với các định chế khác thì hoạt động sẽ gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa tính đến việc các ngân hàng thương mại có thể cung cấp cho khách hàng những dịch vụ gia tăng giá trị mà HFIC không thể có được. Từ đó, các tổ chức này càng nắm lợi thế trong cuộc đua khốc liệt giành thị phần về vốn, dự án đầu tư…Vì vậy, nếu chỉ xét dưới góc độ huy động vốn thì khi HFIC muốn tiếp cận và thu hút nguồn vốn tốt để cho vay và đầu tư, đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng cao cho chương trình mục tiêu trọng điểm của thành phố thì quan trọng nguồn đầu vào phải tốt. Muốn đầu vào tốt thì định chế đó phải thể hiện sự Minh bạch và tính Chuyên nghiệp. Để chứng minh những yếu tố này thì một trong những hướng đi mà các tổ chức thành công trên thế giới đã thực hiện là được các Tổ chức uy tín như Moody’s, Standard & Poor's (S&P) hay Fitch xếp hạng tín nhiệm.
|
PV: Mỗi khi nghĩ về HFIC, Ông sẽ hình dung bằng hai từ nào? Tại sao?
Để nói về HFIC thì tôi nghĩ đến 2 câu chuyện.
Về tình cảm, HFIC chính là TÌNH YÊU. Bởi vì HFIC là đơn vị đầu tiên mà tôi giữ vị trí thuyền trưởng, là nơi mà tôi cùng với Ban lãnh đạo và toàn thể anh em HFIC dành trọn tâm huyết để xây dựng một đại gia đình HFIC đoàn kết và vững mạnh.
Còn nếu nói đến công việc thì chỉ có thể là hai từ: CHUYÊN NGHIỆP, CHUYÊN NGHIỆP và CHUYÊN NGHIỆP.
Lời kết:
Với ý tưởng ban đầu là viết bài trên cơ sở nội dung phỏng vấn Ông Diệp Dũng nhưng sau đó chúng tôi đã quyết định tường thuật toàn bộ tâm sự mà Ông đã trải lòng ngày hôm đó về khoảng thời gian đầu của HFIC. Bởi chúng tôi tin rằng, để có HFIC 10 năm của hôm nay thì sự đóng góp của từng thành viên là rất đáng trân trọng.
Tháng 03/2020
Diệp Dũng
(Nguyên Tổng Giám đốc HFIC)