TP. Hồ Chí Minh sẽ được thí điểm phân cấp nhiều hơn về vấn đề các khoản giữ lại từ nguồn thu, cổ phần hoá, sử dụng đất gắn với tài sản trên đất, nới các quy định về việc giữ lại một phần các khoản thu…
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, dự thảo bảo đảm thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch để thực hiện việc giám sát của người dân, của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể; cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP. Hồ Chí Minh phải đặt trong mối quan hệ Thành phố vì cả nước và cả nước vì Thành phố phát triển ngày càng văn minh, hiện đại; đồng thời, bảo đảm phù hợp với khả năng nguồn lực của Nhà nước, trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước giải quyết các thách thức; đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới; bảo đảm tuân thủ Hiến pháp năm 2013 và trật tự hệ thống của pháp luật, phù hợp với phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020; chủ trương, giải pháp cơ cấu lại cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Dự thảo Nghị quyết quy định cho TP. Hồ Chí Minh được tự chủ áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách mà theo quy định hiện hành thì cơ chế, chính sách đó do cấp cao hơn quyết định; Thành phố được phép thực hiện một số chính sách mà hiện hành chưa quy định...
Các lĩnh vực dự kiến được đề xuất cơ chế, chính sách thí điểm bao gồm: quản lý quy hoạch đô thị và đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách; cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP. Hồ Chí Minh quản lý.
“Tuy nhiên, vẫn cần rà soát cụ thể thêm một số vấn đề phân cấp, uỷ quyền trong một số lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng” Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thành uỷ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đánh giá sự phối hợp, cầu thị của cán bộ Bộ Tài chính và TP. Hồ Chí Minh trong quá trình trao đổi ý kiến đóng góp xây dựng các cơ chế, quy định trong dự thảo.
Lãnh đạo Bộ Tài chính và TP. Hồ Chí Minh cùng thống nhất cần quán triệt tinh thần chung kết luận Bộ Chính trị, đó là, việc thí điểm, cơ chế chính sách đặc thù với TP. Hồ Chí Minh đặt trong tổng thể chung của cả nước kết hợp hài hoà giữa cái chung và riêng trong khuôn khổ pháp luật, việc gì rõ cho làm ngay, việc gì chưa rõ phức tạp cho thí điểm sơ kết, tổng kết nhân rộng …Sau cuộc họp ngày 26/10/2017 với TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn chỉnh Tờ trình, dự thảo Nghị quyết để xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, báo cáo Chính phủ để báo cáo các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (văn bản số 11077/VPCP-QHĐP ngày 17/10/2017 của Văn phòng Chính phủ), căn cứ Kết luận số 21-KL/TW ngày 24/10/2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ-TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 và trên cơ sở đề xuất của TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TP. Hồ Chí Minh theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Luật Ban hành hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngày 20/10/2017, Bộ Tài chính đã tổ chức họp xin ý kiến một số Bộ, cơ quan trung ương và UBND TP. Hồ Chí Minh để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo, đồng thời Bộ Tài chính đã có văn bản số 14319/BTC-NSNN ngày 24/10/2017 gửi xin ý kiến UBND TP. Hồ Chí Minh cho ý kiến vào dự thảo.
Ngày 24/10/2017, UBND TP. Hồ Chí Minh có văn bản số 6677/UBND-TH gửi Bộ Tài chính kèm theo Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Căn cứ ý kiến của Thành phố, Bộ Tài chính đã hoàn chỉnh dự thảo Tờ trình và Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TP. Hồ Chí Minh./.
Nguồn:hochiminhcity.gov.vn