TP.Hồ Chí Minh vẫn luôn được biết tới là thành phố năng động, sáng tạo không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn trong lĩnh vực văn hóa, xã hội; tiên phong trong việc triển khai nhiều chương trình đem lại hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa ra nhiều địa phương khác trong cả nước.
 Một góc TP.Hồ Chí Minh năng động và phát triển (Ảnh: VL) |
|
Trong những năm gần đây, khi nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp phải khó khăn, với sự chủ động, năng động, đoàn kết của cả hệ thống chính trị, Thành phố đã nỗ lực từng bước vượt qua thách thức, tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định. Cụ thể, trong năm 2013, tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn Thành phố đạt 764.444 tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm trước đó. GDP bình quân đầu người đạt 4.513 USD/người (vượt kế hoạch đề ra là 4.000 USD/người; phấn đấu đạt mức thu nhập bình quân đầu người/năm vào năm 2020 khoảng 6.000 USD). Như vậy, so với mức tăng trưởng của cả nước trong giai đoạn 2011-2013, GDP của Thành phố tăng gấp 1,7 lần cả nước (Kết luận số 74-KT/TW ngày 17/10/2013 của Trung ương đánh giá tăng trưởng 3 năm 2011 – 2013 của cả nước đạt 5,6%). Trước tình hình thực tế hiện nay, TP. Hồ Chí Minh dự kiến, năm 2014, tổng sản phẩm trong nước trên địa bàn tăng 9,5% - 10%, vẫn tiếp tục duy trì mức tăng gấp 1,7 lần so cả nước.
Hiện nay, cơ cấu kinh tế Thành phố tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng sản phẩm nội địa (năm 2011 chiếm 57,8%; năm 2012 chiếm 58,6%; năm 2013 chiếm 58,4% GDP). Tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh tăng cao tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng sản phẩm nội địa.
Trong lĩnh vực thu ngân sách, liên tiếp nhiều năm nay, TP. Hồ Chí Minh đều đạt, vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách. Năm 2013, tổng thu ngân sách của TP. Hồ Chí Minh đạt 137.801 tỷ đồng, đạt 100,41%, tăng 12,44% so với năm 2012.
Để đạt được những kết quả như vậy, Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó, đặc biệt là việc triển khai quyết liệt 6 chương trình đột phá giai đoạn 2011-2015. Bên cạnh đó, Thành phố tập trung mọi nguồn lực, huy động nhiều nguồn vốn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giáo dục, y tế, giao thông đô thị; nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng trước tiến độ, tạo diện mạo mới cho giao thông đô thị, góp phần kéo giảm ùn tắc, nâng cao năng lực giao thông khu vực, cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông thành phố. Có thể kể tới như: Đại lộ Đông Tây, hệ thống kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè, Cầu Sài Gòn 2; Đường Vành đai phía Đông (đoạn từ đường Đồng Văn Cống đến cầu Rạch Chiếc); một đoạn tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (đoạn nút giao thông Nguyễn Thái Sơn tới cầu Bình Triệu); đường cao tốc TP .Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (giai đoạn 1 với 20km). Bên cạnh đó, Thành phố đã tập trung khởi công và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình như: Công trình chống sạt lở, đã khánh thành 6 cầu vượt kết cấu thép tại các nút giao thông quan trọng, nhằm giải quyết bài toán kẹt xe ở các giao lộ lớn, đặc biệt là vào giờ cao điểm.
 Không chỉ ở khu vực trung tâm,
nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên nhanh chóng ở các quận, huyện đã làm thay
đổi diện mạo của Thành phố (Ảnh: VL) |
|
Song song với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều tiến bộ. Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá. Qua 5 năm (2009-2013), tổng số hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập 12 triệu đồng/người/năm giảm từ 152.328 hộ vào đầu năm 2009 xuống còn 14.000 hộ vào cuối năm 2013; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,4% xuống còn 0,71% trên tổng số hộ dân Thành phố.
Hiện tại, Thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2015, hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí giai đoạn 3 trước thời hạn 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX đã đề ra. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp góp phần ổn định thị trường lao động. Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; chủ động, quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm giảm tải tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố.
Mặc dù đạt được những thành tựu nổi bật, song Thành phố cũng còn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh kinh tế nói chung hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng biểu hiện rõ nét, các vấn đề về tệ nạn xã hội vẫn có diễn biến phức tạp.
Với truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và nhân dân thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu đang ra sức nỗ lực phấn đấu để xây dựng một TP. Hồ Chí Minh ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại, năng động, xứng đáng là đầu tàu trên nhiều lĩnh vực của cả nước./.
Nguồn: www.dangcongsan.vn