Cán bộ, nhân viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật
Tin Kinh tế - Tài chính

Công bố Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh”

Thứ tư, 29/11/2017 09:45 GMT
Chiều 26-11, UBND TPHCM đã tổ chức Hội nghị công bố Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”.
 
Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án; Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Trưởng Ban Điều hành Đề án; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, Phó Ban Điều hành Đề án; đại diện các sở - ngành, quận - huyện, các đối tác quốc tế, tập đoàn VNPT, Viettel.

Đề án đề ra tầm nhìn về xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) đến năm 2025 “TPHCM sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị.”
 
Mục tiêu tổng quát cho việc xây dựng ĐTTM giai đoạn 2017-2020 là: Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; Quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; Nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; Tăng cường sự tham gia quản lý của người dân.
 
Các nguyên tắc định hướng của xây dựng ĐTTM: Tầm nhìn chính xác, xuyên suốt và được sự đồng thuận cao; Luôn lắng nghe, nắm bắt và phục vụ kịp thời các nguyện vọng và nhu cầu của người dân; Công nghệ là công cụ hỗ trợ phát triển; Huy động mọi nguồn lực.
 
Lợi ích cho người dân 

Lợi ích cho người dân trong một số lĩnh vực.Trong lĩnh vực giao thông, người dân được trải nghiệm hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông; giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc gửi/đỗ xe; dữ liệu mở về giao thông và thông tin dự báo giao thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp người dân và doanh nghiệp tìm được lộ trình di chuyển phù hợp, giúm giảm ùn tắc, cho phép người dân tham gia giám sát các hoạt động liên quan đến giao thông như doanh nghiệp vận tải, đào đường, công trình,…

ĐTTM cũng đem lại lợi ích cho người dân trong các lĩnh vực như: Y tế, an toàn thực phẩm, môi trường, chống ngập, nguồn nhân lực, an ninh trật tự, chính quyền điện tử, chỉnh trang và phát triển đô thị.

Đề án đề ra các giải pháp thực hiện, gồm: Xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở của Thành phố; Xây dựng Trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Thành phố; Xây dựng Trung tâm điều hành ĐTTM; Thành lập Trung tâm An toàn thông tin Thành phố; Khung công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho ĐTTM của Thành phố;…
 
Lộ trình triển khai Đề án. Giai đoạn 1 (2017-2020) triển khai xây dựng nền tảng công nghệ cho ĐTTM trong đó tập trung vào hạ tầng điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu dự phòng, nền tảng dữ liệu mở, nền tảng phân tích dữ liệu lớn, kho dữ liệu dùng chung và các cơ sở dữ liệu dùng chung, trung tâm điều hành thông minh (IOC) với các nền tảng dịch vụ công dân và trung tâm giám sát an ninh thông tin (SOC - có thể được tích hợp vào trung tâm IOC); Triển khai một số các giải pháp thông minh đáp ứng những nhu cầu cấp thiết hiện nay của Thành phố theo các chương trình đột phá để sớm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, bao gồm: Chính quyền số, giao thông, môi trường, chống ngập, an ninh trật tự, y tế và sức khỏe người dân,…
 
Giai đoạn 2 (2021- 2025) tập trung triển khai các giải pháp thông minh trong các lĩnh vực chuyên ngành một cách đồng bộ, giúp giải quyết các vấn đề quan trọng của Thành phố trong nhiều lĩnh vực; các giải pháp thông minh chuyên ngành đã khởi động từ giai đoạn 1 cần tiếp tục được mở rộng, cùng với việc cập nhật dữ liệu,…
 
Giai đoạn 3 (sau 2025) tiếp tục đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ cho giai đoạn sau 2025 hướng đến tầm nhìn dài hạn hơn; nền tảng công nghệ sẽ tiếp tục được củng cố để nâng cao năng lực xử lý, lưu trữ, mức độ an toàn, bảo mật; các giải pháp thông minh được nâng cấp theo hướng ngày càng thông minh hơn và mở rộng ra các lĩnh vực khác của đời sống.

hát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết Quốc hội đã có Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Khi chưa có cơ chế đặc thù đã chủ động rồi, nên khi có cơ chế đặc thù thì hiệu quả phải cao hơn và việc công bố Đề án hôm nay đã thể hiện sự chủ động, quyết tâm của Thành phố nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
 
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, ĐTTM chính là cách giải quyết vấn đề đô thị và việc TPHCM trở thành ĐTTM sẽ giúp giải quyết các vấn đề bức thiết trong phát triển. Ngoài ra, thông qua ĐTTM, người dân, tổ chức sẽ phát huy tối đa năng lực của mình, là chủ thể sáng tạo, đồng thời người dân sẽ giám sát thực hiện, xã hội phát triển có kiểm soát.
 
Đặt vấn đề bao giờ hết kẹt xe và ngập nước, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nếu chúng ta có số liệu, dữ liệu và các phần mềm hiện đại để thu thập, phân tích thì sẽ dự báo được. Do vậy, mục tiêu quan trọng nhất của Đề án là phát triển kinh tế bền vững, trong đó phải dự báo được khó khăn, đưa ra giải pháp phòng ngừa và liên kết tốt; phải làm sao kết hợp các nguồn lực để đạt hiệu quả cao hơn trong khi từng nguồn lực không thay đổi; tạo môi trường sống tốt cho người dân trong các vấn đề như hạ tầng, chất lượng không khí, dịch vụ y tế… 

Đòn bẩy để TPHCM tăng trưởng vượt bậc

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết trong dài hạn, TPHCM xác định phát triển kinh tế chủ yếu dựa trên dịch vụ và đổi mới sáng tạo, trong đó Thành phố đặt mục tiêu nằm trong nhóm 10 thành phố toàn cầu. Để thực hiện được điều này, trước mắt Thành phố phải trở thành ĐTTM. Nếu như Nghị quyết về cơ chế chính sách thí điểm phát triển TPHCM được xem như động lực trực tiếp, thì việc xây dựng TPHCM trở thành ĐTTM được xem như một đòn bẩy để Thành phố tăng trưởng vượt bậc so với phương pháp tăng trưởng truyền thống – chủ yếu dựa vào vốn và lao động; và còn được kỳ vọng như một làn gió mới để thu hút đầu tư, tạo ra những giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
 
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, ngay sau Hội nghị, Ban Điều hành Đề án sẽ cụ thể kế hoạch từng năm để tổ chức thực hiện; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân, xã hội nắm rõ mục đích, ý nghĩa của Đề án; đẩy mạnh huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, khuyến khích doanh nghiệp phát triển công nghiệp vi mạch; tăng cường đầu tư và phát triển thị trường cho thuê các dịch vụ công nghệ thông tin; từng cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực, địa bàn phụ trách. 
 
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố trân trọng cảm ơn các cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, người dân, kiều bào trên thế giới,… đã góp ý, hiến kế, đóng góp và tham gia xây dựng Đề án trong suốt 2 năm qua. Đó chính là tình cảm, là động lực để Ban Điều hành Đề án tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, hiện thực hóa Đề án trong thời gian tới.
 
“Thành phố đang và sẽ nỗ lực hết mình vì một môi trường đầu tư năng động theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động; chúng tôi luôn đồng hành, cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư để xây dựng TPHCM trở thành ĐTTM,” Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh. 
 
Nguồn: hochiminhcity.gov.vn
 

KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN