Cán bộ, nhân viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật
Tin Kinh tế - Tài chính

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Giải ngân đầu tư công quá chậm

Thứ sáu, 07/07/2017 07:42 GMT
Sáng 5/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Tài chính đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng cuối năm 2017.
 
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm 2017 được triển khai trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt thấp hơn so với mục tiêu đặt ra, ngành khai khoáng giảm mạnh, giải ngân vốn đầu tư phát triển chậm…

Trong bối cảnh đó, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội; dưới sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhân dân và của toàn ngành Tài chính, nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả tích cực, có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra.

Cụ thể, đến hết tháng 6/2017, tổng thu NSNN ước đạt 563,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,5% dự toán, tăng 13,9% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thu nội địa đạt 45,6% dự toán, tăng 12,4%, không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại và thu bán vốn cổ phần sở hữu nhà nước đạt 45,5% dự toán, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016, cơ bản sát với tăng trưởng kinh tế.

Tổng chi NSNN ước đạt 582,96 nghìn tỷ đồng, bằng 41,9% dự toán, tăng 8,3% so cùng kỳ năm 2016. Chi NSNN được tổ chức điều hành chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ, trong phạm vi dự toán được giao và phù hợp với tiến độ thực hiện. Trong 6 tháng đầu năm, đã sử dụng khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng nguồn dự phòng ngân sách trung ương, chủ yếu để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão lũ, hạn hán và xâm nhập mặn, hỗ trợ giống khôi phục sản xuất sau thiên tai. Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương 6 tháng đầu năm được đảm bảo; trong đó bội chi ngân sách trung ương bằng khoảng 43,5% dự toán.

Riêng tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt thấp so với yêu cầu, trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn NSNN giải ngân mới đạt 29,5% dự toán (xấp xỉ mức cùng kỳ năm 2016); nguyên nhân chủ yếu do công tác triển khai phân bổ dự toán muộn (đến hết tháng 4/2017 mới giao kế hoạch vốn đợt 2; tổng số kế hoạch vốn đã phân bổ đạt 99,65% kế hoạch, trong đó vốn ngoài nước đạt 98,8% kế hoạch; vẫn còn 3,6 nghìn tỷ đồng chưa giao kế hoạch), một số dự án chưa đảm bảo thủ tục đầu tư theo quy định, hoặc đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu...

Vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch mới giao được 10,4% dự toán, nên giải ngân chỉ đạt khoảng 1,8% dự toán (cùng kỳ năm 2016 đạt 21,8%). Bộ Tài chính đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư.

Cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp địa phương 6 tháng đầu năm được đảm bảo; trong đó bội chi ngân sách Trung ương khoảng 43,5% dự toán.
  
 Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ
 
Tại hội nghị, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải cũng cho biết, 6 tháng cuối năm tình hình trong nước, quốc tế còn có khó khăn, thách thức; để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2017, ngành Tài chính sẽ chú trọng tổ chức thực hiện các giải pháp quan trọng chủ yếu như sau:

Một là, tập trung hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Hai là, tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2017; hạn chế tối đa việc đề xuất, ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách; quyết tâm thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định. Ba là, quản lý, điều hành chi NSNN chặt chẽ, đúng quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo. Bốn là, tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của chính quyền địa phương. Năm là, tăng cường và đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra thị trường. Sáu là, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công, giá dịch vụ công. Bảy là, siết chặt kỷ luật tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tám là, chủ động hợp tác, hội nhập tài chính quốc tế. Chín là, chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2018, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2018-2020 sát thực tiễn, khả thi.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và được tăng cường mặc dù áp lực lớn từ tỷ giá, lãi suất và lạm phát, nhất là trong bối cảnh FED 2 lần tăng lãi suất. Tăng trưởng quý II khởi sắc hơn quý I, nhờ vậy cả 6 tháng đầu đạt 5,3%, cao hơn cùng kỳ 2016. Bước nhảy quý I và quý II hơn 1% là khá lớn. Thu ngân sách tuy chưa được 50% dự toán nhưng tăng 13,9% so với cùng kỳ và cuối năm thì thường thu tốt hơn. Xuất nhập khẩu tăng khá, sẽ có cơ hội tăng trưởng cho cuối năm. Chứng khoán, vốn khởi sắc khi tín dụng tăng 8,9% và trái phiếu chính phủ (TPCP) phát hành tăng 68,8% với kỳ hạn dài và lãi suất rất thấp.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, giải ngân đầu tư công quá chậm. Kể cả vốn từ năm trước chuyển sang năm nay chưa giải ngân là 300.000 tỷ và với số này có thể huy động thêm 700.000 tỷ. Do đó, đây là trách nhiệm của cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư lẫn Bộ Tài chính. Thêm nữa, doanh nghiệp (DN) còn rất khó khăn. Số thành lập mới hơn 60.000 doanh nghiệp, quay lại hoạt động  7.000 doanh nghiệp nhưng giải thể, ngừng hoạt động 38.000 tức là cứ có 2 DN thành lập thì lại mất 1DN và tỷ lệ này tăng lên khá bất thường trong 6 tháng đầu năm.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng đã biểu dương Bộ Tài chính, ngành tài chính 6 tháng qua đã có nhiều nỗ lực, đạt nhiều kết quả thiết thực, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ ngành. Về cơ bản đã điều hành tài khoá chặt chẽ, tăng cường kỷ cương kỷ luật tài chính, nền nếp. Bảo đảm thu chi ngân sách theo lộ trình và tiến độ. Quan tâm xây dựng thể chế- luật quản lý tài sản công, thảo luận bước đầu cho Luật quản lý nợ công, các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách 2015 đã hết hiệu lực cũng như Quy chế tài chính vượt trội cho các vùng động lực như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ... Quản lý điều hành giá cả tốt, bám sát từng loại giá, điều hành nhịp nhàng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong thuế, hải quan, kho bạc. Hải quan chủ động trong 1 cửa quốc gia.

Theo Phó Thủ tướng, 6 tháng còn lại của năm 2017, ngành tài chính cần tập trung cao độ hoàn thành và vượt mức thu chi ngân sách năm 2017. Đồng thời, lưu ý 1 số địa phương khó khăn, quản lý chặt thu- mở rộng cơ sở thuế để tăng thu nội địa để tăng cường khu vực kinh tế chính thức, Tổng cục Thuế phối hợp với các địa phương trọng điểm thu để phối hợp thu nhưng không lạm thu. Hải quan thì áp giá thuế hợp lý. Chi ngân sách theo tinh thần Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị “Kỷ luật ngân sách là quốc sách, cùng với tăng trưởng kinh tế bảo đảm nợ công” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng, cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, xử lý nhanh yếu kém ngành công thương, chủ trì dự báo và đề xuất đưa danh sách dự án yếu kém khác. Tái cơ cấu chứng khoán, bảo hiểm, đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động. Giảm bớt chênh lệch thị trường vốn ngắn hạn và dài hạn. Tiếp tục hoàn thiện thể chế cho tăng trưởng, giảm chi phí cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Kiểm soát tốt lạm phát và có kịch bản điều hành theo kết luận đã ban hành. Cải cách hành chính, tạo thuận lợi thương mại, xử lý trách nhiệm cán bộ ngành, tăng cường phối hợp công tác chủ động hơn, không nể nang và chờ đợi. Làm tốt hơn truyền thông, kịp thời thông tin chính sách tài khoá tiền tệ cho báo chí. Đặc biệt, ngành phải hiện đại hoá, chuyên nghiệp hoá hơn tăng cường đổi mới tinh gọn sắp xếp bộ máy, ứng dụng CNTT, tiếp tục thực hiện nghị quyết  Trung ương 4 xây dựng cán bộ trong sạch vững mạnh. Trí tuệ, trong sạch hơn nữa, tham mưu chính sách đột phá hơn nữa./.
 
Nguồn: dangcongsan.vn 

KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN