Cán bộ, nhân viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần gương mẫu, chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật
Tin Kinh tế - Tài chính

Minh bạch để đạt hiệu quả cao nhất khi bán vốn Nhà nước

Thứ sáu, 16/09/2016 10:49 GMT
Nói về cổ phần hóa DNNN, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính (Bộ Tài chính) nhấn mạnh lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo quyết liệt phải công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm trong bán vốn Nhà nước nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho đất nước.
Công khai kết hợp với kiểm toán độc lập chính xác
 
Đánh giá về chất lượng cổ phần hóa (CPH) thời gian qua, khi chia sẻ với báo chí, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng chất lượng CPH còn chưa cao, có doanh nghiệp (DN) CPH mang tính hình thức, thực chất chưa cao, thậm chí sau CPH bị thua lỗ.

Ngoài các nguyên nhân khách quan về thị trường, phải thừa nhận rằng phần nhiều do yếu tố chủ quan người đứng đầu vẫn muốn níu giữ lợi ích. Chính việc công khai, đấu thầu không thực chất (đóng khung ở phạm vi hẹp, thời gian công khai quá ngắn), khiến các nhà đầu tư e ngại tham gia.

Có DN sau CPH không thực hiện chỉ đạo là bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), không niêm yết, không đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, dẫn đến hạn chế tính công khai, minh bạch và đổi mới quản trị.

Mặc dù cơ chế chính sách CPH, Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, quy định đất đai đã rõ ràng, các quy định về xử lý tài chính đã có, ngay cả thoái vốn dưới sổ sách, làm sao bảo đảm quyền lợi người mua đã có quy định đầy đủ, nhưng quan trọng nhất hiện nay là tư vấn, chất lượng còn chưa bảo đảm.

Vẫn có hiện tượng là 2 đơn vị thẩm định giá (có chứng chỉ, cấp phép hoạt động) cùng thẩm định giá một DN, nhưng lại cho kết quả khác nhau. Do đó, biện pháp phối hợp với cơ quan kiểm toán độc lập kiểm tra xác định giá trị DN, cũng như kiểm định lại chất lượng định giá DN là rất cần thiết.

Ngay cả khi thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định thì vẫn chỉ là giá tham khảo, vẫn cần thuê tư vấn định giá lại.

Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quy định bổ sung chế tài xử lý trường hợp chậm niêm yết. Các đơn vị sau CPH phải niêm yết và đăng ký giao dịch. Nếu không đủ điều kiện niêm yết phải đăng ký giao dịch, đưa vào hoạt động giám sát kinh doanh chứng khoán.
  
 Ảnh minh họa
Thoái vốn phải đạt lợi ích cao nhất cho Nhà nước

Về tiến độ thoái vốn Nhà nước tại một số DN lớn, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, sẽ thực hiện thoái vốn tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) ngay trong năm 2016 và 9 DN lớn khác vào đầu năm 2017: Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam, Công ty cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang, Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần Viễn thông FPT.

Ông Đặng Quyết Tiến cho biết SCIC đang xây dựng phương án cụ thể để báo cáo Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ.

Riêng về trường hợp Vinamilk, hiện DN này với giá trị niêm yết của riêng phần vốn Nhà nước tại đây vào khoảng gần 100.000 tỷ đồng. Đây là một DN phát triển rất tốt về quản trị, thương hiệu rất giá trị.

Trên thị trường chứng khoán, giá trị thương hiệu chỉ là một phần, còn tầm nhìn, giá trị tương lai… thì thị trường chứng khoán chưa đánh giá hết được, vì thế phải có các nhà tư vấn đủ trình độ để định giá.

Vinamilk không chỉ là thương hiệu Việt Nam mà đã vươn tới tầm thương hiệu khu vực, do đó phải đánh giá, so sánh với những nhãn hiệu, công ty ngoại khác.

“Thoái vốn đồng loạt sẽ ảnh hưởng đến các DN còn lại. Người ta có thể không mua những DN kia nữa. Cái 'ngon' nhất mà mình bán hết năm nay thì năm sau thị trường sẽ giảm ổn định không hẳn là hay”, ông Tiến nhận định.

Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo thoái vốn Nhà nước tại Sabeco và Habeco, những DN hoạt động trong lĩnh vực không thuộc diện Nhà nước nắm giữ là hết sức cần thiết.

Tiền thu từ việc thoái vốn các DN sẽ được sử dụng theo quy định của Chính phủ. Một phần sẽ được đầu tư trở lại các DN mà Nhà nước xác định cần nắm giữ theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN. Một phần khác sẽ được đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước để chi cho đầu tư phát triển theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, thực hiện chi cho các công trình trọng điểm, an sinh xã hội như: Chống quá tải bệnh viện, bổ sung vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, hay hỗ trợ vốn dự án ứng phó với biến đổi khí hậu...

Về vấn đề giữ vững thương hiệu Việt khi bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, ông Đặng Quyết Tiến chia sẻ theo kinh nghiệm quốc tế, một số nước áp dụng chế độ “cổ phần vàng”, trong đó, với một tỉ lệ rất nhỏ "cổ phần vàng" này nhưng có quyền quyết định biểu quyết về thương hiệu. Quan trọng là những quy định này cần phải đưa vào điều lệ từ trước khi bán vốn. Đặc quyền này không trái với quy định của Luật Ngân sách.
Nguồn: baodientuchinhphu.vn 

KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG

ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN